Mặc cho giới chuyên môn nhận định và đánh giá là không thể thành công nhưng bác sĩ Sergio Canavero vẫn tự tin rằng khả năng thành công của ca phẫu thuật ghép đầu có thể lên đến ít nhất 90%.
Đầu năm 2015, cả thế giới chấn động khi tạp chí New Scientist của Anh thông báo: tháng 12/2017, bác sĩ phẫu thuật thần kinh người Ý tên Sergio Canavero sẽ cấy đầu một người lên một cơ thể khác. Đây chính là ca cấy ghép đầu người đầu tiên trên thế giới. Khi đó, nhiều người nghĩ rằng đây rõ ràng là một trò hề của y khoa nhưng trong khi đó, cũng có rất nhiều người tin rằng nếu thành công, đây sẽ là một thành tựu rực rỡ, mở ra một kỉ nguyên mới cho y khoa.
.
Bác sĩ phẫu thuật thần kinh người Ý Sergio Canavero. (Ảnh: National Post).
Chớp mắt một cái, năm 2017 đã ở tháng thứ 8, nghĩa là chỉ còn khoảng 3, 4 tháng nữa thôi, ca ghép đầu người đầu tiên trên thế giới sẽ được tiến hành. Cả thế giới lại hồi hộp chờ đợi, hi vọng có và mỉa mai cũng có.
Họ gọi
Sergio Canavero là
"bác sĩ điên” khi quyết định thực hiện ca phẫu thuật này nhưng Sergio lại tin tưởng rất nhiều về xác suất thành công. Ông sinh năm 1964, lớn lên ở một thành phố nhỏ của nước Ý. Vào một ngày mùa thu năm 1974, trong một lần ghé vào quầy bán sách báo quen thuộc, cậu bé Sergio khi đó tình cờ mua được quyển truyện Marvel Team-Up số 51 mà trong đó có Dr. Strange - vị bác sĩ phẫu thuật thần kinh có siêu lực để nối những sợi dây thần kinh phức tạp nhất. Đó là nguồn cảm hứng đầu tiên.
Lớn lên, Sergio càng được tiếp xúc với nhiều thông tin và càng ngày, ông càng ấp ủ ước mơ được trở thành bác sĩ phẫu thuật. Đến khi 18 tuổi, ông bắt đầu học Y ở thành phố Turin và sau khi tốt nghiệp cho đến 22 năm sau đó, Sergio là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh có tiếng ở bệnh viện thuộc thành phố Turin, Ý.
Mãi cho đến khi ông bắt tay vào thực hiện kế hoạch và nghiên cứu chuyên sâu cho việc ghép đầu, ông mới nghỉ làm ở bệnh viện này và kể từ đó, đồng nghiệp, giới khoa học không ngừng gọi ông là “bác sĩ điên” vì một dự án quá mạo hiểm. Tuy vậy, Sergio vẫn vững tin với những lí lẽ của chính mình của ca ghép đầu này bởi ông cho rằng nếu thành công, đây sẽ là phương pháp tuyệt vời để chữa bệnh liệt toàn thân cho những ai không may mắc phải.
Ông cho rằng nếu thành công, đây sẽ là phương pháp tuyệt vời để chữa bệnh liệt toàn thân cho những ai không may mắc phải. (Ảnh: Dailymail).
Vậy ai là người được ghép đầu? Đó chính là Valery Spiridonov - một nhà khoa học máy tính người Nga mắc
chứng Werdnig-Hoffman (một căn bệnh teo cơ tủy sống di truyền hiếm gặp). Valery năm nay 30 tuổi, cuộc sống của anh đã gắn liền với chiếc xe lăn hơn 20 năm nay nhưng càng ngày, tình trạng bệnh càng tệ hơn.
Đây là một trong số rất nhiều ứng viên từ khắp nơi trên thế giới mà thư ký của Sergio - bác sĩ Xiaoping Ren người Trung Quốc - biết được khi công trình khoa học của ông được công bố, tìm kiếm người tình nguyện cho ca phẫu thuật chưa từng có tiền lệ trong lịch sử y khoa.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Komsomolskaya Pravda của Nga, bác sĩ Sergio chia sẻ:
“Tôi chọn Valery vì hai lý do. Thứ nhất, anh ta đủ can đảm và sẵn sàng đi đến cùng. Thứ hai, sự can đảm của anh ta dựa trên kiến thức mà anh ấy đã nghiên cứu từ tất cả các nghiên cứu của nhà khoa học trong lĩnh vực này. Do đó, tôi quyết định chọn anh ta sẽ là người đầu tiên đi vào lịch sử”.
Valery Spiridonov. (Ảnh: Dailymail).
Cho đến nay, địa điểm thực hiện cuộc phẫu thuật vẫn chưa được công bố. Đó có thể là Nga, Trung Quốc hoặc nước nào đó ở châu Âu. Dự kiến, cuộc phẫu thuật sẽ kéo dài 36 giờ đồng hồ với sự tham gia của 150 người bao gồm bác sĩ phẫu thuật của các nước như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, y tá cùng các nhân viên y tế. Chi phí ước tính khoảng 10 đến 15 triệu USD.
Theo bác sĩ Sergio mô tả cách thức phẫu thuật, cơ thể của Valery và một người tình nguyện hiến xác sẽ được cắt phần đầu rời khỏi thân cùng lúc. Phần đầu của Valery sẽ được giữ lạnh từ 10 đến 15 độ C - tương tự như nhiệt độ được áp dụng trong những cuộc phẫu thuật ở các vùng sâu của não. Phần cơ thể của người hiến tặng cũng sẽ được làm lạnh.
Các bác sĩ có 1 giờ để ghép đầu Valery vào thân của người hiến tặng bằng một loại "keo" tên polyethylene glycol . Sau đó, các bác sĩ sẽ nối xương sống, cơ, mạch máu, đường hô hấp, thực quản lại. Thêm vào đó, để ngăn chặn tình trạng cơ thể và đầu đào thải nhau - một rủi ro vốn có trong hầu hết các cuộc phẫu thuật cấy ghép - các bác sĩ sẽ sử dụng một loại thuốc đặc biệt. Valery sẽ nằm hôn mê, bất động trong 1 tháng để đầu và cơ thể hoàn toàn dính vào nhau.
Bác sĩ Sergio và Valery trong một cuộc họp báo. (Ảnh: Dailymail).
Mặc cho giới chuyên môn nhận định và đánh giá không thành công nhưng bác sĩ Sergio vẫn tự tin rằng dù có những rủi ro khác có thể xảy ra nhưng khả năng thành công của ca phẫu thuật này có thể lên đến ít nhất 90%.
Về phía Valery, anh cho biết, mình sẵn sàng với cuộc phẫu thuật. Tuy nhiên, anh vấp phải sự phản đối của bạn gái về cuộc phẫu thuật quan trọng. Trong buổi trò chuyện tại chương trình Good Morning Britain, anh chia sẻ: “Cô ấy ủng hộ mọi điều tôi làm nhưng cô ấy không nghĩ rằng tôi cần phải thay đổi, cô ấy chấp nhận tôi hiện tại. Cô ấy không nghĩ tôi cần phải thay đổi. Động lực của tôi là cải thiện mình để tôi có thể tự chăm sóc chính mình, hoàn toàn độc lập. Mỗi ngày, tôi cần sự giúp đỡ của mọi người, đôi khi 2 lần mỗi ngày vì tôi cần ai đó giúp mình lên giường ngủ, đặt vào xe lăn. Vì vậy, cuộc sống tôi phụ thuộc vào người khác và nếu có một cách để thay đổi điều này, tôi nghĩ mình nên thử”.
Còn với vị bác sĩ Sergio của chúng ta, mặc bao nhiêu người phản đối, ông vẫn được sự ủng hộ của gia đình. Ông cho biết: “Gia đình hoàn toàn ủng hộ tôi. Họ hiểu những rủi ro, thậm chí cũng có khi họ cho rằng nó quá nguy hiểm. Nhưng gia đình luôn ủng hộ quyết định của tôi".
Nguồn:Khoahoc.tv.