Bootloader là gì? và nó đóng vai trò gì với một thiết bị như smartphone hay tablet? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về bootloader.
Hiểu một cách đơn giản bootloader là chương trình khởi động hệ thống và hệ điều hành đã được lập trình sẵn và đặt trong ROM. Nói rộng hơn, bootloader là một đoạn mã được thực thi trước khi hệ điều hành bắt đầu chạy và nó cho phép nhà sản xuất thiết bị quyết định những tính năng nào người sử dụng được phép dùng hoặc bị hạn chế.
Khái niệm bootloader áp dụng rộng rãi không chỉ với smartphone, tablet, máy tính mà còn nhiều thiết bị công nghệ cao khác. Bạn có thể tham khảo một số nhiệm vụ của bootloader qua sơ đồ thiết kế cấu trúc hệ điều hành Android dưới đây
Sơ đồ thiết kế cấu trúc hệ điều hành Android (ảnh từ internet)
Nhà sản xuất thiết bị mặc định thường khóa bootloader với chủ ý không muốn người dùng cuối tự ý can thiệp sâu vào hệ điều hành như chỉnh sửa các tập tin hệ thống, thêm bớt các tính năng và gỡ bỏ các ứng dụng mặc định đi kèm hệ điều hành trên thiết bị. Mục đích khác nữa của việc khóa bootloader là không cho người sử dụng nạp các phiên bản hệ điều hành không chính hãng (còn gọi là Customized OS) nhằm tránh các lỗi có thể xảy ra như xung đột phần mềm thậm chí hư hỏng hoàn toàn thiết bị (hay còn gọi là brick).
Một số nhà sản xuất các thiết bị Android như HTC, Sony và Motorola đã cung cấp cho người dùng cách mở khóa bootloader để người dùng có thể nạp các phiên bản hệ điều hành tùy biến (Custom ROM) lên thiết bị của mình nhằm thỏa mãn nhu cầu vọc thiết bị của những người am hiểu công nghệ.
Tuy cung cấp cho người dùng phương pháp mở khóa bootloader nhưng nhà sản xuất cũng kèm khuyến cáo rằng một khi khách hàng mở khóa bootloader đồng nghĩa với việc thiết bị sẽ mất hiệu lực bảo hành và hãng sẽ không chịu trách nhiệm với những hư hại do việc can thiệp vào bootloader từ phía người dùng.