Chào mọi người.
Noel rồi, năm mới cũng sắp đến, chúc cả gia đình yeuapk nhiều sức khỏe và thành công. Phần đất của PC có vẻ như không được quan tâm nhiều, tôi mạn phép hâm nóng nó bằng 1 cái top "sơ sài" Hiểu biết còn nhiều hạn chế, anh em nào phát hiện sai sót góp ý chân thành nhé. (p/s: topic sẽ khá dài, để tránh tình trạng hư nửa chừng phải lập top từ đầu, tôi sẽ up từng đoạn và sẽ up liên tục qua cách chỉnh sửa topic, anh em xem và hãy khoan đánh giá nhé)
Máy tính cá nhân, gọi chung máy tính (ok phân biệt nhé, ở đây tôi ko đề cập đến Casio kiểu calculator, đây là personal computer - PC) có thể chỉ đơn thuần để làm việc văn phòng, lướt web, xem phim. Một số khác lại dùng PC như 1 công cụ đắc lực cho thiết kế đồ họa, thiết kế, lập trình và nhiều thứ nặng đô khác. Số khác nữa, xem PC như 1 máy chơi game thực thụ. Và ngày nay, khi mà công nghệ phát triển, các hệ máy đình đám một thời như PS2, PS3, PSP, PS Vita, Wii U...dần trở thành kỷ niệm, PC lên ngôi, vượt trội hơn hẳn khi nó chạy được tất cả các game trên các hệ máy này, lại có riêng 1 kho game khổng lồ trên nền tảng Windows, kèm chung với đó là việc hack cheat cũng đơn giản hơn nhiều khi chơi trên các hệ máy chính thống (xin hiểu hack hay cheat trên các dòng game offline nhé, ko khuyến khích trên game online). Nhưng, để có đc 1 con game ưng ý, có thể chạy mượt mà, lại không đơn giản như việc cài đặt APK mà các bạn đã biết. Vậy ở topic này, các bạn sẽ có thể 1 phần nào đó hiểu thêm về chiếc PC mình đang dùng, từ đó có thể tự mình tìm chọn cài 1 con game ưng ý mà chẳng mất tiền cho các cửa hàng máy tính. Ok dài dòng đủ rồi, vào vấn đề thôi.
1. Windows 32bit và Windows 64bit
Chắc nhiều anh em đã từng nghe qua, nhưng liệu có biết nó là gì. Thì ở đây, tôi trả lời nhé. Khái niệm:
Bên trong CPU có một bộ phận gọi là các thanh ghi (register), các thanh này có nhiệm vụ chứa các dữ liệu mà CPU cần để xử lý (kết quả của các phép toán logic, địa chỉ 1 ô nhớ, …). CPU 32-bit nghĩa là độ rộng của các thanh ghi bên trong CPU là 32-bit, tương tự CPU 64-bit nghĩa là độ rộng của các thanh ghi bên trong CPU là 64-bit. Vậy điểm khác nhau của 2 bản này là gì?
– Windows 32bit (x86):
+ Phiên bản 32bit chỉ có thể nhận được RAM (Random Access Memory – bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên) tối đa là 3.4GB.
+ Trong quá trình sử dụng máy tính, nếu bạn sử dụng vượt quá dung lượng RAM hiện tại thì hệ thống sẽ tự động chuyển sang sử dụng bộ nhớ ảo hay là dung lượng ổ cứng còn dư để lưu trữ tạm thời.
+ Ở phiên bản Windows 32bit, máy tính chỉ cung cấp tối đa cho mỗi ứng dụng là 2GB RAM.
– Windows 64bit (x64):
+ Khác với phiên bản 32bit, phiên bản 64bit có thể nhận và quản lý được rất nhiều RAM (> 17 tỷ GB RAM). Chính vì thế nếu máy tính của bạn có cấu hình mạnh thì Win 64bit sẽ đáp ứng được mọi nhu cầu của bạn.
+ Ở phiên bản Windows 64bit, máy tính chỉ cung cấp tối đa cho mỗi ứng dụng là 8000GB (8TB) RAM. Ưu điểm nổi trội của Windows 64bit so với Windows 32bit:
+ Quản lý bộ nhớ tốt hơn: Sử dụng được nhiều Ram, bạn có thể tận dụng được tối đa RAM trên máy tính của mình, nếu như máy tính của bạn có 6GB Ram thì phiên bản 64bit sẽ sử dụng được hết 6GB ram đó. Còn với bản 32bit thì bạn chỉ nhận được tối đa là 3.4GB mà thôi.
+ Nâng cao năng suất làm việc: Việc tận dụng được hết RAM là một thế mạnh của bản 64bit, chính vì thế mà máy tính của bạn chắc chắn sẽ xử lý nhanh hơn và không có tình trạng chậm, lag vì thiếu RAM (trong trường hợp máy tính bạn đang dùng nhiều RAM nhé).
+ Khả năng phân phối RAM cho từng ứng dụng tốt hơn: Như đã nói ở trên Win x86 chỉ cung cấp tối đa cho mỗi ứng dụng là 2GB Ram chính vì thế mà khi bạn sử dụng các ứng dụng nặng như thiết kế đồ họa, làm video, sử dụng thiết kết mô hình 3D… thì sẽ không đáp ứng được và gây treo máy. Nhưng với phiên bản x64 thì lại khác, nó hỗ trợ lên đến 8TB cho mỗi ứng dụng, với mức đó là quá thừa thãi đối với các ứng dụng ở thời điểm hiện tại.
+ Tính bảo mật cao hơn: Dựa vào những tính năng như Kernel Patch Protection hỗ trợ bảo vệ phần cứng và thực hiện sao lưu dữ liệu, loại bỏ các trình điều khiển của hệ thống 16-bit có sẵn. Nhược điểm khi sử dụng Windows 64bit (x64)
+ Nhiều thiết bị phần cứng và phần mềm cũ không tương thích.
+ Hầu hết các phần cứng hiện nay không có khả năng hoạt động tốt trên hệ thống 64-bit.
+ Ứng dụng, phần mềm cũng hạn chế hơn nhiều so với phiên bản 64bit. Một số lưu ý khi sử dụng phiên bản 64bit
+ Bạn không thể nâng cấp từ Windows 32bit lên bản 64bit được, muốn nâng cấp chỉ còn cách là cài lại hệ điều hành nhé.
+ Phải sử dụng tất cả các ứng dụng, phần mềm dành riêng cho hệ điều hành 64-bit, như các chương trình, drivers… để máy nhận ra rằng bạn đang xài hệ thống 64-bit. Một số phần mềm 32bit vẫn có thể chạy được trên 64bit.
+ Không phải bất kỳ phần mềm nào cũng đều hoại động tốt trên 64-bit. Chính vì thế mà bạn sẽ thấy 2 thư mục Program Files(32) để cài đặt các ứng dụng 32-bit và Program Files (64) để cài đặt các ứng dụng 64-bit trên hệ điều hành Windows 64-bit.
+ Bất kì hệ điều hành 64 bit nào cũng sẽ chiếm dụng nhiều bộ nhớ hơn so với hệ điều hành 32 bit tương ứng. Đây là do đặc thù của mã 64 bit , mã này sử dụng những cấu trúc bên trong lớn hơn nên sẽ chiếm dụng nhiều vùng trống hơn, cả trên RAM và ổ cứng.
2. Khái niệm cơ bản về OS
Ngắn gọn thôi, OS là viết tắt của Operating System, có nghĩa là hệ điều hành. Thứ tự các bản Windows từ thấp đến cao là:
Windows 98 -> 2000 -> XP -> Vista -> 7 -> 8 -> 10
Các phiên bản từ Windows XP còn có thêm các bản Service Pack (SP), là các bản vá (sửa lỗi, nâng cấp) cho các bản chính. Vd: Windows Vista SP2 là hệ điều hành Windows Vista, sử dụng bản vá 2.
Khi 1 game yêu cầu 1 OS bản thấp (chẳng hạn như Windows XP), thì có thể các bản OS cao hơn (như Vista hoặc 7) vẫn có thể chơi được. Đó là do ở thời điểm game ra đời thì chưa có các bản Windows mới này, nên nhà sản xuất không thể liệt kê các bản Windows mới vào cấu hình yêu cầu của game.
Nếu phần này có ghi 64bit / x64 thì có nghĩa game yêu cầu Windows bản 64bit. Các bản Windows (Vista, 7, 8, 10...) đều có phiên bản 32bit và 64bit. Nếu máy bạn cài Windows bản 64bit thì không phải nghĩ về yêu cầu này (máy bạn sẽ chơi được cả các game 32bit lẫn 64bit). Nhưng nếu máy bạn cài Windows bản 32bit, thì bạn sẽ không chơi được những game dành cho 64bit, hoặc những game yêu cầu từ 4GB RAM trở lên. Tốt nhất bạn nên cài lại 1 bản Windows 64bit để chơi được mọi game (mà cấu hình cho phép).
3. Các khái niệm cơ bản về CPU, Process, Processor, Thread, Core
- CPU: CPU viết tắt của chữ Central Processing Unit là bộ vi xử lý trung tâm máy tính. Gồm nhiều core, nhiều thread.
- Processor: Processor là từ chỉ chung cho các bộ vi xử lí.
- CPU và Processorheo nghĩa xã hội thì Processor sẽ bao gồm CPU vì đơn giản như định nghĩa cho thấy, Processor là từ chỉ chung cho toàn bộ các bộ vi xử lý, còn CPU chỉ là bộ vi xử lý trung tâm cho máy tính. Đặc biệt lưu ý từ máy tính nha, vì sao, vì ngoài máy tính còn nhiều thiết bị khác mà. Đó là nghĩa xã hội.
Nhưng nói về nghĩa máy tính / công nghệ thì có thể hiểu CPU và Processor là tương đồng, vì bất đông ngôn ngữ, phong cách truyền bá từng vùng miền nên đã gây ra không ít hiểu lầm về chúng.
- Core: Core là lõi, nhân. Trong CPU hiểu là số lõi trong CPU (ví dụ core i3, core i5, core i7).
- Process: Quá trình (process) là trạng thái tức thời của một chương trình đang chạy trên máy tính. Có thể hiểu Process là không gian làm việc, một tiến trình cho phép xử lý những gì nó muốn.
- Thread: Luồng (thread) tương tự như quá trình nhưng chỉ bao gồm tiến trình điều khiển. Nhiều luồng sử dụng không gian địa chỉ của một quá trình. Trong CPU thì 1 CPU có thể có nhiều core nhiều luồng.
Ví dụ: CPU core i5 2 core 4 thread => 1 core có thể xử lý 2 luồng, 2 core xử lý 4 luồng. Thường 1 core sẽ chỉ tạo được 2 thread. Để tránh nhiều vấn đề như nghẽn chẳng hạn khi xử lý nhiều thứ tác vụ trên 1 process mà người ta đã tạo ra thread, để có thể làm việc trên chung một process nhưng lại bằng nhiều thread. Đó là khái niệm phân luồng, đa luồng.
Dual core: hai lõi.
Quad core: bốn lõi.
Hexa Core: Sáu lõi.
Octo Core: Tám lõi.
Deca Core: Mười lõi.
4. Khái niệm về RAM và VRAM a/ RAM
- RAM là gì?
RAM(Random Access Memory) là bộ nhớ dữ liệu tạm thời, được biết đơn giản là RAM(DRAM), là một phần của máy tính, cho phép lưu giữ thông tin trong 1 khoảng thời gian ngắn.
Khi bạn load hay chạy 1 file, phần mềm nào đó, chíp xử lí của máy bạn liên tục truy cập vào dữ liệu từ bộ nhớ máy, vậy nên máy bạn vận hành ra sao phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ xử lí và dung lượng bộ nhớ.
RAM là nơi máy tính truy cập xử lí thông tin 1 cách tạm thời, tức là nó sẽ trống không khi máy tính tắt. RAM càng lớn thì lượng công việc nó giải quyết được càng nhiều.
- Phân tích về RAM
Để hiểu về nó rõ nhất, cứ nghĩ tới một nhà bếp. Đầu bếp (processor - chíp) nấu ăn trên bếp (RAM - bộ nhớ tạm thời), với nguyên liệu (data - dữ liệu) lấy từ tủ lạnh (hard drive - ổ cứng).
Nếu trên bếp có nhiều chỗ trống, đầu bếp có thể làm nhiều việc cùng lúc. Nếu không đủ không gian làm việc, đầu bếp chỉ làm được ít món 1 lúc thôi, và anh ta sẽ phải đi tới tủ lạnh nhiều lần để lấy nguyên liệu… do vậy mà tốc độ nấu chậm hơn.
Nhiều phần mềm, như game hoặc thiết kế, sử dụng RAM rất nhiều vì chúng liên tục truy cập dữ liệu và file, như là một công thức nấu ăn yêu cầu nhiều nguyên liệu vậy. Trên cái bếp nhỏ thì khó có thể nấu mọi thứ cùng lúc được.
Trên những máy có ít RAM, các chương trình có thể chạy chậm vì không đủ chỗ để lấy thông tin và tính toán. Đây là một trong những nguyên do máy tính cũ thường chạy chậm khi cài thêm phần mềm. RAM (và nhiều cái khác) mà được gắn thêm để chạy chương trình mới thường là RAM thế hệ mới.
- Cách thức hoạt động của RAM
Trong máy tính của bạn, bộ nhớ này hoạt động “sát cánh” với chip xử lý, bộ nhớ máy tính (ổ cứng) để truy cập và sử dụng dữ liệu. Ví dụ như bạn muốn truy cập vào dữ liệu của 1 bảng tính và chỉnh sửa nó. Đây là những gì sẽ diễn ra trong máy:
+ Phần mềm của bạn được trữ trên bộ nhớ lưu trữ (HDD & SSD)
+ Chip xử lí chuyển dữ liệu từ ổ cứng đến bộ nhớ tạm thời để tính toán và truy cập “tạm thời” trong lúc bạn đang sử dụng máy.
+ Sau đó, chíp truy cập trực tiếp dữ liệu tại đây, giống như một ngân hàng cung cấp chỗ để làm việc vậy.
(Tốc độ và dung lượng bạn có giúp xác định tốc độ chạy của phần mềm, và máy tính xử lí nhiều việc 1 lúc ra sao)
- Vậy nó có phải là 1 bộ nhớ?
RAM thường được gọi là bộ nhớ (memory). Tuy nhiên đây không phải là bộ nhớ máy dùng để lưu trữ dữ liệu như ổ cứng hoặc SSD. Hai loại này chức năng khác nhau.
RAM khác với bộ nhớ thông thường vì dữ liệu trong RAM được trữ và truy cập nhiều chỗ khác nhau. Do thông tin có thể được lấy 1 cách ngẫu nhiên thay vì theo trình tự như CD và ổ cứng, máy tính có thể truy cập chúng nhanh hơn rất nhiều, rất tuyệt để lưu và xử lí dữ liệu 1 cách tạm thời.
Cứ nghĩ là máy tính sẽ cần bộ lưu trữ lâu dài (HDD) để mở 1 file word, và việc thay đổi phông chữ lại là tạm thời (RAM).
- Vai trò của RAM
Bộ nhớ tạm thời (DRAM) là một phần của máy tính giúp hệ thống làm việc mỗi ngày.
Các công việc có thể bao gồm mở chương trình, lướt web, sửa bảng tính, hoặc tái hiện các game hiện đại với hình ảnh chân thực. Bộ nhớ này giúp máy tính thực hiện những công việc cơ bản nhất. Quy tắc chung là, bộ nhớ càng nhiều thì máy tính sẽ chạy nhanh và mượt hơn.
Nếu bạn bật máy lên, mở excel ra, bắt đầu làm việc thì bạn đã sử dụng đến bộ nhớ này rồi đó. Nào là tải và chạy chương trình, đáp ứng lệnh chúng ta đưa vào, hoặc chuyển qua lại giữa các chương trình. Dù là làm gì, máy tính luôn luôn sử dụng tới bộ nhớ tạm thời này.
Nói chung, đây là nơi máy tính trữ dữ liệu ngắn hạn (chỉ lưu trữ khi máy hoạt động). Bạn càng có nhiều phần mềm, bạn nên có nhiều RAM.
b/ VRAM
- VRAM là gì?
Video RAM (hoặc VRAM) là một loại RAM đặc biệt hoạt động với bộ xử lý đồ họa của máy tính hoặc GPU. GPU là một con chip trên card đồ họa (hoặc video card) của máy tính có nhiệm vụ hiển thị hình ảnh trên màn hình. Mặc dù không chính xác về mặt kỹ thuật, nhưng thuật ngữ GPU và card đồ họa thường được sử dụng thay thế cho nhau.
VRAM giữ thông tin mà GPU cần, như kết cấu trò chơi và hiệu ứng ánh sáng, cho phép GPU nhanh chóng truy cập thông tin và video đầu ra tới màn hình. Sử dụng VRAM cho công việc này nhanh hơn nhiều so với sử dụng RAM hệ thống bởi vì VRAM nằm ngay cạnh GPU trong card đồ họa và được xây dựng cho mục đích cường độ cao này.
- So sánh VRAM và đồ họa tích hợp
Hầu hết những người tự lắp máy tính riêng hoặc mua một máy chơi game được xây dựng trước đều có một video card. Một số máy tính xách tay mạnh mẽ hơn thậm chí còn có một card đồ họa. Nhưng với một chiếc máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay giá rẻ, các nhà sản xuất thường không sử dụng video card mà thay vào đó họ sử dụng đồ họa tích hợp.
Giải pháp đồ họa tích hợp có nghĩa là GPU có cùng tốc độ với CPU và chia sẻ bộ nhớ RAM hệ thống thông thường thay vì sử dụng VRAM dành riêng cho nó. Đây là một giải pháp giá rẻ và cho phép máy tính xách tay xuất ra các sản phẩm đồ hoạ cơ bản mà không cần video card. Tuy nhiên, đồ hoạ tích hợp lại không thực hiện được các nhiệm vụ chơi game và đồ họa khác.
Độ mạnh của đồ họa tích hợp phụ thuộc vào CPU. Các CPU Intel mới hơn với đồ họa Intel Iris Plus mạnh hơn so với các đối thủ cũ và rẻ nhưng vẫn không là gì so với đồ họa chuyên dụng.
Với chiếc máy tính có tuổi thọ vài năm, người dùng sẽ không gặp phải vấn đề gì khi xem video, chơi các trò chơi có cường độ thấp và làm việc với các ứng dụng chỉnh sửa ảnh và video cơ bản với đồ họa tích hợp. Tuy nhiên, chơi các trò chơi đồ họa ấn tượng mới nhất sử dụng đồ họa tích hợp về cơ bản là điều không thể.
- Nhiệm vụ gì cần VRAM?
Trước khi nói về các con số cụ thể, chúng ta sẽ đề cập đến những khía cạnh của trò chơi và các ứng dụng đồ họa khác sử dụng VRAM nhiều nhất.
Một yếu tố lớn trong tiêu thụ VRAM là độ phân giải màn hình. VRAM lưu trữ bộ đệm khung (frame buffer), giữ một hình ảnh trước và trong thời gian GPU hiển thị trên màn hình. Các màn hình hiển thị tốt hơn (như chơi game trên màn hình 4K) sẽ chiếm nhiều VRAM vì các hình ảnh có độ phân giải cao sẽ có nhiều điểm ảnh hơn.
Ngoài màn hình hiển thị, kết cấu trong một trò chơi có thể ảnh hưởng mạnh đến VRAM. Hầu hết các trò chơi máy tính hiện đại cho phép tinh chỉnh các cài đặt để nâng cáo hiệu suất hoặc chất lượng hình ảnh. Bạn có thể chơi một trò chơi từ vài năm trước với các cài đặt Low hoặc Medium trên một card rẻ hơn (hoặc ngay cả đồ họa tích hợp). Tuy nhiên, với chất lượng High hoặc Ultra, hoặc các mod tùy chỉnh tạo ra các kết cấu trong trò chơi thậm chí còn tốt hơn so với thông thường, người chơi sẽ cần rất nhiều RAM. Các tính năng như chống răng cưa (làm mịn các cạnh mép) cũng sử dụng nhiều VRAM do các điểm ảnh.
Các trò chơi cụ thể cũng yêu cầu số lượng VRAM khác nhau. Trò chơi như Overwatch không đòi hỏi quá nhiều đồ họa, nhưng một trò chơi với nhiều hiệu ứng ánh sáng tiên tiến và kết cấu chi tiết như Rise of the Tomb Raider cần nhiều tài nguyên hơn. Ngược lại, một card giá rẻ với chỉ 2GB VRAM (hoặc đồ họa tích hợp) là đủ để chơi các trò chơi máy tính cũ, nhưng những game trở lại đây cần gần 2GB VRAM.
Ngay cả khi không quan tâm đến việc chơi game, một số phần mềm phổ biến cũng đòi hỏi một lượng lớn VRAM. Các phần mềm thiết kế 3D như AutoCAD, Photoshop, và chỉnh sửa video chất lượng cao tất cả sẽ bị ảnh hưởng nếu không có đủ VRAM.
- Dung lượng VRAM
Dưới đây là danh sách dung lượng VRAM:
+ VRAM có dung lượng từ 1GB - 2GB: Các card này thường dưới 100 đô la, chúng cung cấp hiệu suất tốt hơn đồ họa tích hợp nhưng không thể xử lý hầu hết các trò chơi hiện đại với các cài đặt trên trung bình. Chỉ mua một card dung lượng VRAM như thế này nếu muốn chơi các trò chơi cũ không làm việc với đồ họa tích hợp, không chỉnh sửa video hoặc thực hiện các công việc thiết kế 3D.
+ VRAM có dung lượng từ 3GB - 6GB: Những card tầm trung này phù hợp cho việc chỉnh sửa trò chơi hoặc chỉnh sửa video nhưng không thể sử dụng cho gói kết cấu siêu đặc biệt này cho Fallout 4, nhưng có thể mong đợi chơi các trò chơi hiện đại ở độ phân giải 1080p với vài vấn đề.
+ VRAM 8GB hoặc cao hơn: những card cao cấp với nhiều RAM như thế này là dành cho những người chơi game chuyên nghiệp. Nếu muốn chơi các trò chơi mới nhất ở độ phân giải 4K, bạn cần một card có nhiều VRAM.
Các nhà sản xuất card đồ họa bổ sung lượng VRAM thích hợp vào một card tùy thuộc vào mức độ mạnh mẽ của GPU. Do đó, một card đồ họa giá rẻ 75 đô la sẽ có dung lượng VRAM thấp, trong khi một card đồ họa giá 500 đô la sẽ có dung lượng nhiều hơn. Nếu một GPU không đủ mạnh để kết xuất đồ họa (render) video thì việc sử dụng một VRAM 8GB sẽ lãng phí.
Cũng giống như RAM, nhiều VRAM không phải lúc nào cũng có nghĩa là hiệu suất tốt hơn. Nếu card của bạn có VRAM 4GB và đang chơi một trò chơi mà chỉ sử dụng 2GB, nâng cấp lên một card 8GB sẽ không thay đổi được gì. Ngược lại, không có đủ VRAM là một vấn đề nghiêm trọng. Nếu VRAM đầy, hệ thống phải dựa vào RAM tiêu chuẩn và hiệu suất sẽ bị ảnh hưởng, tỷ lệ khung hình thấp và một số ảnh hưởng khác.
VRAM chỉ là một yếu tố ảnh hường đến hiệu suất. Nếu không có một CPU đủ mạnh, không thể kết xuất video HD, thiếu RAM hệ thống sẽ không chạy được nhiều chương trình cùng một lúc, và sử dụng một ổ cứng cơ học sẽ hạn chế hiệu năng của hệ thống. Và một số card đồ họa rẻ hơn có thể sử dụng DDR3 VRAM chậm. Cách tốt nhất để tìm ra card đồ họa và dung lượng VRAM phù hợp là tìm chuyên gia am hiểu về vấn đề này.
5. Bộ xử lý đồ họa (GPU)
Các trò chơi điện tử hiện nay đang sở hữu chất lượng đồ hoạ cao chưa từng có trong lịch sử. Các chi tiết được tái tạo chân thực đến mức từng sợi tóc của nhân vật hay những mảnh kính vỡ đều hiển thị sắc nét như ngoài đời thật. Câu hỏi đặt ra là, chúng ta đã làm thế nào để đi từ những trò chơi với đầy những chấm vuông pixel tới các trò chơi điện tử có giao diện siêu chân thực như vậy? Và câu trả lời nằm ở bộ xử lý đồ hoạ (GPU) của thiết bị chơi game của bạn.
- Khái niệm và cách thức hoạt động của GPU
Bộ xử lý đồ hoạ (Graphical Processing Unit - GPU) là một bộ xử lý chuyên sử dụng để giải quyết các bài toán hình học. GPU có thể đảm nhiệm các tác vụ chuyên biệt liên quan đến dựng hình khối và thực hiện nó một cách hiệu quả. Đa số các GPU hiện nay được thiết kế dựa trên kiến trúc CUDA do công ty NVIDIA sáng chế.
CUDA (viết tắt của cụm từ Compute Unified Device Architecture, tạm dịch là Kiến trúc Thiết bị Tính toán Thống nhất) là kiến trúc tính toán song song được phát triển bởi NVIDIA. Tính toán song song là quy trình giải quyết nhiều phép tính đồng thời tại một thời điểm. Các bài toán lớn được phân chia ra thành nhiều bài toán nhỏ và được thực hiện đồng thời. Để hiểu cách các bài toán này được giải quyết, chúng ta cần phải nắm được chức năng của mỗi "lõi" trong một bộ vi xử lý. Mặc dù các định nghĩa về "lõi" có thể có những sự khác biệt, nhưng trong lĩnh vực tính toán và vi xử lý, lõi là một đơn vị cấu trúc có chức năng nhận một tập hợp các lệnh và thực hiện các phép tính toán dựa trên những lệnh đó. Các lõi CUDA nằm trong các GPU hiện đại bao gồm nhiều lõi con siêu nhỏ, có chức năng chia bài toán lớn thành nhiều bài toán nhỏ và thực hiện tính toán song song trên các lõi con đó, nhờ vậy mà những bài toán này có thể được giải một cách đồng thời bởi tất cả các lõi con.
- Sự khác biệt giữa CPU và GPU
CPU phát huy tốt vai trò của nó trong việc thực thi các chương trình đa chức năng, chẳng hạn như nghe nhạc, xem phim, tính toán, phần mềm bảng tính hoặc thậm chí là một trò chơi không đòi hỏi quá nhiều về đồ hoạ.
Nếu đi sâu vào chi tiết, thì hai thiết bị này khác nhau chủ yếu ở vi kiến trúc và cách thức thực thi lệnh.
Để hiểu rõ sự khác biệt giữa vi kiến trúc của CPU và GPU, bạn cần biết về những thành phần ở bên trong thiết bị đó. Trong CPU, chúng ta thấy có Bộ xử lý số học - logic (Arithmetic Logical Unit), chịu trách nhiệm thực hiện các lệnh tính toán. Bộ điều khiển (Control Unit) có trách nhiệm điều khiển mọi hoạt động của bộ vi xử lý, có chức năng cho ALU và bộ nhớ biết cách thức thực hiện các lệnh tính toán như thế nào. Bộ nhớ Cache là một loại bộ nhớ đặc biệt dùng để lưu các dữ liệu tạm đang chờ xử lý của CPU, nhằm hạn chế tối đa sự suy giảm tốc độ xử lý do CPU phải chờ nạp dữ liệu từ bộ nhớ chính. Bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (Dynamic Random Access Memory - DRAM) là một loại bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên (RAM) đặc biệt có chức năng giúp bộ vi xử lý truy cập vào bất kỳ dữ liệu ngẫu nhiên nào nằm trên các loại bộ nhớ khác nhau của máy, thay vì bắt CPU phải đi lần lượt qua từng khối dữ liệu một. Dưới đây là hình ảnh mô phỏng cách thức hoạt động của CPU theo phương pháp tính toán tuần tự
Giờ các bạn đã hiểu sự khác biệt về mặt cấu trúc giữa CPU và GPU: số lượng ALU, hay số lõi trong một CPU ít hơn rất nhiều so với trong GPU. Điều này là bởi mỗi lõi trung tâm của CPU có nhiệm vụ thực hiện một chương trình phần mềm khác nhau trong cùng một thời điểm, giúp máy tính có khả năng thực hiện đa tác vụ cùng một lúc. Chẳng hạn, bạn có thể chạy hai phần mềm Microsoft Word và Google Chrome cùng lúc là bởi mỗi phần mềm sẽ được một lõi của CPU đảm trách thực hiện. Trong khi đó, GPU có rất nhiều lõi con bên trong, nhưng mỗi lõi có nhiệm vụ thực hiện một phần nhỏ của bài toán một cách đồng thời. Do vậy, GPU có thể thực hiện mật độ tính toán cao hơn để giải quyết một bài toán cụ thể. Và dưới đây là hình ảnh mô phỏng cách thức hoạt động của GPU theo phương pháp tính toán song song.
CPU có bộ nhớ cache lớn hơn GPU. Điều này là bởi CPU cần nhiều bộ nhớ tạm hơn để lưu trữ các lệnh chờ được xử lý lần lượt, do số lượng lõi có trong một CPU ít hơn nhiều so với GPU. GPU có ít bộ nhớ cache hơn, bởi chúng có số lượng lõi nhiều hơn đáng kể để thực hiện một lượng lớn các lệnh ở cùng một thời điểm. Nói chung, phương thức hoạt động của CPU là phương thức tính toán tuần tự, còn cách tiếp cận của GPU là tính toán song song.
- Vai trò của GPU và CPU trong việc chơi game
Và bây giờ hãy cùng quan sát cách thức hoạt động và vai trò của GPU và CPU trong khi chơi game hoặc thực hiện các chương trình đồ hoạ đòi hỏi phải kết xuất (render) trong thời gian thực, ví dụ như việc xem trước các hiệu ứng hình ảnh trong các phần mềm dựng phim. Xét một mô hình 3D trong trò chơi điện tử, chúng ta thấy, GPU có trách nhiệm tính toán và tái tạo về mặt hình học, màu sắc, chất liệu của vật thể. Cách thức hoạt động của GPU là chia các mặt phẳng phức tạp của vật thể thành các tam giác nhỏ. Các dữ liệu, thông số của hình ảnh trong mỗi tam giác sẽ được xử lý bởi một lõi con của GPU. CPU rõ ràng không có khả năng làm được điều này bởi cách thức vận hành tuần tự của chúng không cho phép tái tạo tất cả mọi phần của hình ảnh trong cùng một thời điểm khi kết xuất hình ảnh 3D.
Nói nôm na, GPU phụ trách giải quyết các yếu tố "nghệ thuật" của game, nhưng CPU lại đóng vai trò then chốt trong khâu tổ chức hoạt động của phần mềm trò chơi. CPU có trách nhiệm quản lý luật lệ của ván chơi. Ví dụ, khi chúng ta chơi các game có chi tiết bắn súng, CPU sẽ có trách nhiệm tính toán những yếu tố hình ảnh nào cần xuất hiện khi người chơi bắn ra một viên đạn. Cụ thể, khi người chơi nổ súng vào một vật thể, CPU sẽ nói cho GPU biết cần hiển thị các hiệu ứng hình ảnh nào trên vật thể đó khi bị đạn bắn, và GPU sẽ có nhiệm vụ tính toán và kết xuất hình ảnh tương ứng.
Kết luận lại, chúng ta có thể nói rằng nếu không có sức mạnh tính toán khủng khiếp của GPU trên phương diện nâng cao chất lượng đồ hoạ, sẽ khó mà tưởng tượng được có ngày chúng ta sẽ được chơi các trò chơi có đồ hoạ sống động và chân thực như hiện nay. Các nhà sản xuất cũng đang chạy đua để cải tiến các GPU qua các đời thiết bị, nhằm đẩy các giới hạn về hình ảnh đồ hoạ của game ngày càng xa hơn nữa.
Phụ lục: Bảng sắp xếp thứ bậc các loại card đồ họa hiện nay - từ mạnh nhất đến yếu nhất (dữ liệu mang tính chất tham khảo và ko đúng hoàn toàn). Nguồn tham khảo: tomshardware.com. Chú ý: các loại card onboard đời thấp của Intel không được liệt kê ở đây, chẳng hạn như Intel(R) 82945G, Intel(R) G41 Express Chipset... Đây là những loại card rất yếu và chỉ có thể chơi được những game nhẹ.
Về cơ bản thì gần như topic đã đầy đủ những gì cần lưu tâm khi chuẩn bị cài 1 game cho PC. Tôi sẽ tiếp tục cập nhật khi có các thông tin hữu ích mới. Hẹn gặp anh em ở các topic tiếp theo.