Không ít nạn nhân dính vào đường dây vay tiền qua app đã bị truy bức, dồn vào đường cùng và tìm đến cái chết để giải thoát. Nhiều nạn nhân còn được gợi ý bán thận, bán máu, bán trứng, bán tinh trùng,... để lấy tiền trả nợ cho app.
Giảng viên cao đẳng tự tử vì vay qua app
Anh N.M.K (SN 1993, huyện Châu Thành, Cần Thơ) là giảng viên một trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang vừa qua đời vào ngày 10.5.2020.
Sự ra đi đột ngột của một giảng viên trẻ đã làm cho người thân, đồng nghiệp và bạn bè của anh K bàng hoàng. Anh K uống thuốc tự tử vì vướng vào việc vay tiền qua app.
Trình bày với PV Báo Lao Động, chị N.T.T.N (chị gái của anh K) cho biết, từ đầu tháng 4, anh K có tâm sự với chị là đang nợ hơn 200 triệu đồng vay qua app. Các app đang truy bức đòi nợ liên tục, nên anh K không còn tâm trí làm việc và chỉ muốn chết để giải thoát.
"K kể lại vào khoảng thời gian sau tết có vay 5 triệu đồng của một app để chi tiêu. Thế nhưng đến hạn 7 ngày không trả kịp, số tiền phạt và tiền lãi liên tục tăng lên từng ngày khiến K mất khả năng chi trả. Sau đó, app cho K vay đã giới thiệu các app khác để K vay tiếp nhằm trả nợ khoản vay trước. Cứ thế K vay nhiều app và số tiền nhanh chóng tăng lên hơn 200 triệu đồng" - chị N nói.
Chị N chia sẻ thêm thông tin, do các đối tượng liên tục gọi điện đe dọa, khủng bố tinh thần dẫn đến tâm trạng của K hoảng loạn và lúc nào cũng sống trong lo sợ. Không chỉ "khủng bố" tinh thần K, các đối tượng còn đe dọa đến đồng nghiệp và sinh viên của trường mà K đang dạy, nhằm bôi nhọ và làm mất uy tín.
"Tối thứ 7 ngày 9.5.2020, K có đến nhà bố mẹ ăn cơm tối, sau đó rồi ra về. Nhưng không ngờ tối hôm đó K về nhà và uống thuốc tự tử, đến sáng hôm sau thì gia đình mới phát hiện và đưa đi bệnh viện nhưng đã tử vong" - chị N đau buồn kể lại cái chết của em trai.
Nạn nhân có ý định tự tử hoặc bán máu để trả nợ
Quá trình tìm hiểu về hoàn cảnh các nạn nhân bị truy bức và dồn đến đường cùng vì vay tiền qua app, PV đã gặp được nhiều nạn nhân từng có ý định tự tử nhưng được bạn bè, người thân phát hiện kịp thời.
Chị T.K.U (28 tuổi, Tây Ninh), từng uống thuốc tự tử nhưng được gia đình phát hiện và đưa đi cứu chữa kịp thời. Theo chị U, vào thời gian tháng 3.2020 chị có vay qua một app với số tiền 1 triệu đồng. Sau khi trả đủ, chị U được các đối tượng nâng hạn mức lên 3 triệu đồng, 5 triệu đồng và 7 triệu đồng.
"Khi vay 7 triệu tôi không trả đúng hạn, lập tức số tiền lãi và tiền phạt tăng cao theo cấp số nhân. Họ buộc tôi phải đi vay các app khác để trả cho khoản vay trước và chỉ hơn 1 tháng số tiền nợ lên đến 45 triệu động" - chị U nói.
Theo chị U, khi số nợ lên đến 45 triệu đồng, chị bị các đối tượng gọi điện đe dọa khủng bố cả ngày lẫn đêm. Đến 1-2h sáng họ vẫn gọi điện để đòi nợ và thúc ép chị phải thanh toán, họ còn cắt hình ảnh của mẹ và chị gái đưa lên các trang mạng bôi nhọ cả gia đình.
"Trong dịp lễ 30.4 và 1.5, họ liên tục gọi điện thúc ép tôi, bôi nhọ 3 mẹ con tôi lên các trang mạng và gửi đến bạn bè tôi. Trong lúc đấy tôi nghĩ quẩn và hoảng sợ nên đã mua thuốc ngủ về uống với suy nghĩ là để giải thoát. Gia đình phát hiện liền đưa tôi đi bệnh viện cấp cứu kịp thời nên tôi mới sống đến hôm nay"- chị U nói.
Chi L.T.N (SN 1983, quận Bình Tân, TPHCM, thuộc nhóm các nạn nhân vay qua app đi tố cáo) cho biết, trong nhóm của chị có một số nạn nhân chỉ muốn tìm đến cái chết để giải thoát cho khoản vay qua app. Nhiều nạn nhân còn bị bọn chúng gợi ý đi bán thận, bán máu để lấy tiền trả khoản vay qua app.
"Ngoài việc gọi điện đe dọa khủng bố bạn bè, người thân, bố mẹ, đồng nghiệp, bọn chúng còn đưa hình nạn nhân lên các trang mạng xã hội để bêu xấu. Chính vậy, nhiều nạn nhân không chịu nổi áp lực nên có ý định tự tử. Các thành viên phải ngăn cản và động viên để cố gắng vượt qua. Đáng sợ hơn, bọn chúng còn gửi đường link để gợi ý chúng tôi đi bán thận, bán máu, bán trứng hoặc tinh trùng để trả nợ" - chị N nói.
Chị N chia sẻ thêm thông tin, sau khi báo Lao Động đăng loạt bài, nhiều thành viên của nhóm đã bớt hoảng loạn và sợ hãi, vì hy vọng cơ quan chức năng sẽ vào cuộc. Đồng thời, các nạn nhân cũng khuyên bảo nhau không nên đi vay tiền tiếp để trả nợ, không nên chấp nhận bán thận, bán máu để lấy tiền trả cho app.
Sáng nay 29.5, chị N cùng nhiều nạn nhân trong nhóm đã đến Cơ quan CSĐT - Bộ Công an phía Nam tố cáo hành vi cho vay bất hợp pháp của các app. Cơ quan CSĐT đã cử 3 cán bộ ra tiếp nhận vụ việc, lắng nghe trình bày của nạn nhân, đồng thời hướng dẫn nạn nhân làm đơn để có cơ sở vào cuộc xác minh.