Mới đây, tuyển thủ quốc gia Văn Toàn tiến hành đấu giá chiếc áo có đầy đủ chữ ký của các cầu thủ Đội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup trên trang cá nhân nhằm mục đích hỗ trợ quê hương Hải Dương chống dịch. Đây là một nghĩa cử rất cao đẹp, vừa thể hiện trách nhiệm của một người con với quê hương, vừa góp phần tuyên truyền ủng hộ phòng chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, khi bài đăng được đưa lên các báo mạng, rất nhiều người đã có những bình luận không tốt về việc làm của Toàn.
Do Toàn đấu giá trực tiếp trên bài đăng hoặc qua phần nhắn tin nên nhiều người có thể trực tiếp biết rõ số tiền được trả để sở hữu chiếc áo này. Khi số tiền đấu giá vượt lên con số hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu, thì có rất nhiều bình luận khiếm nhã công kích cá nhân Văn Toàn và những người tham gia đấu giá. Họ cho rằng Toàn đang tranh thủ đại dịch để bán áo đấu với giá cao, còn những người tham gia đấu giá là "những kẻ thừa tiền muốn đánh bóng tên tuổi". Họ đặt ra câu hỏi là nếu những người tham gia đấu giá muốn ủng hộ thì sao không ủng hộ trực tiếp mà phải thông qua đấu giá làm gì cho mất thời gian? Hay tại sao dịch đã bùng phát từ lâu mà đến bây giờ Toàn mới ủng hộ?
Nhiều người còn có thái độ đùa cợt không đúng mực khi có những lời như: Áo fake hay áo real? Văn Toàn học làm doanh nhân, bán áo đấu cũ với giá trăm chai. Chữ ký thật hay chữ ký được in? Dở hơi bỏ mấy trăm triệu ra mua cái áo lau chỉ để lau mồ hôi. Chốt 100k, freeship thì mua. Hy vọng những kẻ thừa tiền quan tâm. Sao không dùng tiền đi từ thiện mà lại bỏ trăm triệu ra mua cái áo? Áo dát vàng hay gì?
Những lời đó nhiều đến mức khiến cho nhiều "cư dân mạng chân chính" cảm thấy rất phẫn nộ. Rõ ràng, bán đấu giá các kỷ vật thể thao nhằm mục đích từ thiện là một việc rất hữu ích mà các ngôi sao trên thế giới vẫn hay làm. Chính CR7 cũng từng bán đấu giá Quả Bóng Vàng 2013 để quyên góp gần 800 ngàn USD cho một tổ chức hoạt động vì trẻ em.
Tự nhiên, những hành động trên làm mình nhớ đến một bộ phận cư dân mạng Hàn Quốc - những người nổi tiếng ngớ ngẩn, ích kỷ. Họ từng chỉ trích các ngôi sao bằng những lý do điên khùng, ủng hộ chậm cũng bị chửi, ủng hộ nhanh quá cũng bị chửi, ủng hộ nhiều quá thì bị nói là khoe khoang, ủng hộ ít quá thì bị nói là keo kiệt... Tính ra, ở nơi nào cũng có một bộ phận dân mạng rất tiểu nhân.
Cách đây ít ngày, mình nhận được dòng tin nhắn tâm sự của một chị. Chị ấy kể rằng con gái chị muốn thực hiện một dự án vẽ tranh và quyên góp hỗ trợ cho các bạn nhỏ khó khăn tại Đà Nẵng. Ngày họp phụ huynh, con gái chị có đứng lên bục giảng và thuyết trình dự án cho các bậc phụ huynh nghe nhưng có bậc phụ huynh đã nói rằng con gái chị còn nhỏ, chưa có hiểu biết, nên ăn ngủ hơn là việc từ thiện. Nghe thấy thế, con gái chị đứng như trời trồng đến mức cô giáo phải vỗ vai ra hiệu con gái chị dừng thuyết trình và đi ra ngoài.
Chị nói, mất mấy ngày liền sau hôm họp phụ huynh đó, con gái chị cứ nằm thõng chẳng buồn ăn. Chị có nói thêm, con gái chị học trường quốc tế nên điều kiện của các phụ huynh là có, trong khi dự án kế hoạch thì mỗi bậc phụ huynh chỉ ủng hộ khoảng 300 ngàn đồng. 300 ngàn đồng có lớn hay không? Có với một vài người, không với một vài người.
Và với 300 ngàn kiếm được, ca sĩ Jack sẽ ủng hộ 30 ngàn. Ca sĩ chính thể hiện bài hát "Hồng Nhan" tuyên bố sẽ ủng hộ 10% thu nhập cho công tác phòng dịch. Nhưng thật buồn thay, khi Jack có lời nói như vậy, nhiều người lại đả kích Jack rằng giàu như vậy mà mới chỉ ủng hộ 1/10 thu nhập, như thế là quá ít. Nếu họ có tiền, là người nổi tiếng, họ sẽ ủng hộ phần lớn thu nhập vào việc phòng chống dịch bệnh. Jack không phải là một ca sĩ xuất thân từ nhung lụa, cậu chàng này cũng trải qua những năm tháng rất khó khăn mới được thành công như hôm nay. Mà giàu thì cũng từ nỗ lực, khổ cực, chứ làm gì tự dưng mà giàu?
"Đúng là thói đời, làm việc thiện cũng bị phán xét."
"Xin lỗi thủ trưởng, chúng tôi không cứu được" - Đó là lời của các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch gửi đến Quyền bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
Chúng ta thẳng thắn thừa nhận với nhau rằng, các bác sĩ không phải là những người có phép màu mà có thể "cải tử hoàn sinh". Đợt dịch này, Covid-19 tấn công vào các bệnh viện, nhắm đến đối tượng yếu thế, mắc nhiều bệnh nền. Vì thế, việc cứu người thoát khỏi cửa tử rất khó...
Sao làm dân chết không xin lỗi dân? Tôi trả tiền thuế để cứu người, không phải để các bác sĩ xin lỗi. Đề nghị cách chức, sa thải các bác sĩ làm chết người. Bệnh nhân phương Tây thì cứu sống, bệnh nhân người Việt thì mặc kệ. Đúng là nền y tế cộng sản bỏ mặc dân chết. Nhìn bác sĩ phương Tây cứu người kia kìa.
Đó lại là những bình luận từ một nhóm công nghệ rất đông thành viên mà mình đã lấy ví dụ rất nhiều lần. Và không hiểu sao, trong bao nhiêu ngày tháng qua, họ vẫn hành xử và nhận định thiển cận, quy chụp như vậy.
Khi có một bình luận nói rằng việc chết người không phải trò đùa, không nên chỉ trích các bác sĩ mà hãy động viên họ thì một bình luận phản hồi rằng: "Tao đóng thuế trả lương. Việc bác sĩ là cứu người, không làm tốt thì tao chửi. Mày khóc thuê à?"
Chẳng phải là khóc thuê đâu. Nhưng các bác sĩ vẫn là chỉ là những người bình thường chứ không phải là thần thánh mà có thể "cải tử hoàn sinh"... Hàng trăm ngàn cái chết vì đại dịch, vậy tất cả các bác sĩ trên thế giới đều vô trách nhiệm hết à? Và cần chú ý rằng, chục triệu người trên thế giới đã sống, còn tại Việt Nam thì con số đó là hàng trăm người, hàng ngày số người khỏi bệnh cũng đã lên mức hai con số. Hãy nhìn vào những việc đó mà đánh giá chứ?
Chính những người không tham gia đóng góp được gì lại là những người luôn muốn đòi hỏi nhiều nhất. Mình thực sự muốn hỏi rằng, các người đã làm được những gì? Hay chỉ giỏi chỉ trích, bông đùa, phá rối những gì mà người khác đang nỗ lực bằng cái tâm thấp hèn?
Đôi khi, dịch bệnh không đáng sợ bằng những con người mang tư tưởng tiểu nhân.