Theo một phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), hàng nghìn tay súng của tổ chức này đang phải chờ đợi và tỏ ra tức giận vì chưa được đánh bom liều chết.
Ảnh: Reuters
Tờ Daily Mail cho hay, chiến binh người Chechnya, Kamil Abu Sultan ad-Daghestani, đã phàn nàn rằng các chỉ huy IS thường ưu tiên những thành viên trong gia đình và bạn bè thân thiết thực hiện nhiệm vụ trên.
Điều này khiến các chiến binh IS đang trở nên ngày càng tức giận vì phải chờ đợi nhiều tháng. Thậm chí, nhiều tay súng đã chết trên chiến trường, trước khi nhận được cơ hội mà họ cho là “một niềm vinh dự” này.
Abu Sultan cho biết, một số chiến binh trẻ phải sang Iraq mới được thực hiện nhiệm vụ tấn công tự sát, vì ở Syria có hàng ngàn người đang chờ đến lượt. Tuy nhiên, khi đến Iraq, họ vẫn phải chờ đợi nhiều tháng và đã phải bỏ cuộc trở về Syria.
Chiến binh IS cho rằng, anh ta chỉ có thể tiến hành đánh bom liều chết nếu như có một mối liên kết hoặc quan hệ gần gũi với các chỉ huy người Saudi của IS.
Abu Sultan liên tục nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc được ôm bom liều chết, và cho biết, cách để đối phó với điều mà anh ta gọi là “tham nhũng” của các cấp trên là phải gửi yêu cầu trực tiếp đến “trùm” Abu Bakr al-Baghdadi.
Tay súng IS cũng tiết lộ, chính em trai Baghdadi và con trai phó tướng của ông ta cũng đã tiến hành nhiệm vụ này.
Abu Hafs al-Badri, một người anh em họ của Baghdadi cũng được cho là đã ôm bom liều chết tại một trạm kiểm soát trong cuộc tấn công vào nhà máy lọc dầu Baiji ở tỉnh Salahuddin, Iraq, vào hồi tháng 4.
Năm ngoái, chiến binh IS gốc Anh Kabir Ahmed cho biết trong một cuộc phỏng vấn với BBC rằng, anh ta đã tuyệt vọng khi tham gia vào danh sách chờ để được trở thành kẻ đánh bom tự sát.
Sau đó, vào tháng 11, cuối cùng Ahmed đã thực hiện được “mong ước” của mình khi làm nhiệm vụ này và sát hại 8 sĩ quan cảnh sát Iraq.
Mới đây, ngày 22/5, vụ đánh bom liều chết được xác định là do IS tiến hành đã xảy ra tại nhà thờ Hồi giáo dòng Shiite tại một thị trấn ở đông Ảrập Xê-út ngay trong buổi cầu kinh có 150 người tham dự, khiến ít nhất 21 người chết, 81 người bị thương.
Đánh bom liều chết được cho là một hành động “tử vì đạo” đối với IS, với quan niệm những người thực hiện nhiệm vụ này sẽ được lên thiên đường và có cuộc sống sung sướng sau khi chết.