ICTnews - Để minh bạch trong công tác ghi chỉ số công tơ, Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN Hà Nội) đã đưa vào sử dụng gần 1.300 bộ thiết bị ghi chỉ số công tơ điện bằng camera kết hợp với máy tính bảng (tablet).
EVN Hà Nội sử dụng bộ thiết bị. Nguồn ảnh: evnhanoi.vn.
Theo thông tin từ EVN Hà Nội, đây là đơn vị đầu tiên nghiên cứu áp dụng bộ thiết bị camera kết hợp với tablet trong việc ghi chỉ số công tơ điện.
Được triển khai thí điểm vài tháng nay, đến thời điểm tháng 7/2015, EVN Hà Nội đã đưa vào sử dụng gần 1.300 bộ thiết bị tại tất cả các công ty điện lực trực thuộc.
Thiết bị được kết nối không dây với tablet, đầu soi gắn camera và đèn led chiếu sáng, có khả năng chụp ảnh chỉ số công tơ và tính toán sản lượng ngay tại hiện trường sau khi nhập chỉ số mới, cảnh báo các sản lượng bất thường...
Việc ứng dụng cải thiện điều kiện lao động, tăng năng suất và hiệu quả làm việc, đảm bảo an toàn cho người lao động do không phải trèo thang thủ công như trước. Trong quá trình ghi chỉ số công tơ điện, khách hàng có thể xem hình ảnh chụp chỉ số điện khách hàng sử dụng trong tháng giúp củng cố niềm tin của khách hàng đối với ngành điện.
Theo EVN Hà Nội, trong thời gian tới, Tổng công ty sẽ tiếp tục mở rộng việc sử dụng bộ thiết bị.
Người dân có thể xem hình chụp chỉ số trên tablet. Nguồn ảnh: evnhanoi.vn.
Đáng chú ý, giữa lúc nhiều đô thị trong khu vực đã thực hiện đo lượng điện năng tiêu thụ của khách hàng bằng công tơ điện tử, thông tin có thể chuyển dữ liệu từ xa về trung tâm và kiểm tra thông tin từng giờ thì ngành điện lực Việt Nam vẫn còn thô sơ, tốn nhiều nhân công dùng thang “leo cột” ghi chỉ số công tơ.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố đầu tháng 10/2014 tại phiên làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Bộ Công Thương, hiện Tập đoàn này có hàng chục nghìn người làm công việc ghi công tơ, thu tiền điện, khiến cho dư luận xã hội phải giật mình
Và theo quan điểm của nhiều chuyên gia công nghệ, còn phổ biến việc ghi chỉ số thủ công thì còn tồn tại bất cập, tiêu cực. Về lâu dài ứng dụng tiện ích của CNTT, viễn thông vào công việc ghi chỉ số điện năng tiêu thụ được xem là giải pháp cần thiết để giảm thiểu tiêu cực, tăng năng suất và hiệu quả.
Ví dụ, ngành điện có thể ứng dụng giải pháp thu thập dữ liệu công tơ điện tử dựa trên hạ tầng viễn thông. Như với công nghệ do doanh nghiệp trong nước đang sẵn sàng cung cấp, công tơ điện được kết nối với modem 3G/GPRS giúp đọc dữ liệu công tơ trực tuyến 24/24 và truyền về máy chủ trung tâm (30 phút/lần) để quản lý và khai thác.
Sau khi cài đặt phần mềm trên smartphone để kết nối, khách hàng sẽ được cảnh báo sản lượng đột biến, thanh toán qua di động, điện năng tiêu thụ hàng tháng… để chủ động hơn trong việc sử dụng.
Dù vậy, việc cải tiến, đưa vào sử dụng "gậy tự sướng" thay vì phải leo thang trèo cột thủ công như EVN Hà Nội đang áp dụng và triển khai rộng rãi cũng là dấu hiệu cho thấy ngành điện lực tại Việt Nam bắt đầu có những cải tiến tích cực.