Theo một báo cáo cách đây khá lâu bởi Locket, trung bình người dùng smartphone mở khóa điện thoại 110 lần/ngày. Trong đó, có rất nhiều lần mở khóa một cách vô thức, theo thói quen. Thực tế điều này có thể gây ảnh hưởng tới tâm lý của người dùng về lâu dài, mất tập trung trong công việc,...
Một tình huống đơn cử, người dùng đặt chiếc smartphone bên cạnh bàn làm việc và biết rõ trong khoảng thời gian vừa qua không có tin nhắn hay cuộc gọi nào, song vẫn thuận tay nhấn mở khóa điện thoại, thậm chí lướt vài giây trước khi quay trở lại công việc.
Do đó, người dùng smartphone nên làm chủ hành động của mình tốt hơn trong các trường hợp mà mở khóa smartphone không thật sự cần thiết. Bên cạnh việc mở khóa smartphone, người dùng cũng nên kiểm soát thời điểm và thời gian mở ứng dụng Facebook trên điện thoại.
2. Đặt điện thoại vào tai ngay khi vừa thực hiện cuộc gọi
Sóng điện thoại lúc đang thiết lập cuộc gọi đã được một số nghiên cứu chứng minh là mạnh hơn so với lúc duy trì cuộc gọi. Mặc dù mức sóng đó có gây ảnh hưởng tới não con người hay không vẫn còn khá mơ hồ, nhưng tốt hơn hết người dùng smartphone hãy khoan đưa điện thoại lên tai ngay khi vừa bấm nút gọi.
Smartphone và cả điện thoại cơ bản đều có tính năng bắt đầu đếm thời gian cuộc gọi khi hai bên đầu dây đã nói chuyện với nhau. Người dùng có thể nhìn thông tin này trên màn hình từ xa để đưa điện thoại lên tai đúng thời điểm, hoặc chỉ nên đưa điện thoại lên sau một thời gian kể từ lúc nhấn gọi.
3. Vừa ăn vừa bấm điện thoại
Màn hình điện thoại chứa một lượng lớn vi khuẩn, đó là cảnh báo đã được nhiều đơn vị quốc tế công bố. Thế nhưng dường như người dùng smartphone ít cảm thấy lo lắng điều này. Thực tế ở thời đại hiện nay, phần lớn người dùng đều bấm, lướt điện thoại ngay trước khi cầm đũa trong khi đã rửa tay trước đó. Hành động này đã vô tình khiến đôi tay không còn sạch sẽ nữa, dù mắt thường không thấy được.
4. Để smartphone trong túi quần phải
Một trong những lý do để người dùng thay đổi thói quen này chính là việc điện thoại dễ trở nên hư hỏng. Vỏ nhôm đang trở thành xu hướng thiết kế smartphone thời thượng hiện nay, nhưng loại chất liệu này lại rất dễ móp méo và trầy trước. Trong khi đó đa phần người dùng Việt Nam chạy xe máy và thuận tay phải, do vậy những lúc dắt xe thường dễ tì đùi phải vào hông xe, có thể gây cấn điện thoại.
Giải pháp xử lý đơn giản là có thể đổi sang túi trái (nếu có thói quen dắt xe bên phải, và ngược lại) hoặc an toàn hơn là bỏ vào một ngăn chuyên dụng đựng điện thoại trong túi xách, ba lô.
5. Truy cập 3G không đăng ký gói cước
Đã có rất nhiều trường hợp người dùng phải "ngậm đắng nuốt cay" chỉ vì suy nghĩ tiết kiệm khi truy cập internet 3G trên smartphone. Mặc dù suy nghĩ chỉ mở 3G trong một thời gian ngắn nhưng phí 3G khi không đăng ký gói cước thường cao hơn nhiều lần 3G trọn gói. Chẳng hạn theo cước phí của một nhà mạng trong nước, cước 3G không theo gói lên đến 1,5 triệu đồng/1GB, đây là điều mà người dùng ít chú ý sẽ rất dễ bị tốn kém ngoài ý muốn.
6. Vừa đi vừa cúi đầu bấm điện thoại
Khi nghiêng đầu về phía trước 60 độ để nhìn vào màn hình điện thoại, bạn đang đặt 60 pounds (tương đương hơn 27kg) sức nặng trên cổ của mình, theo một nghiên cứu của bác sĩ phẫu thuật cột sống Kenneth Hansraj sống tại New York, Mỹ.
Với sức nặng như trên, rõ ràng sẽ gây ảnh hưởng tới xương cổ và cột sống của người dùng smartphone theo thời gian, đó là chưa kể các tai nạn xảy ra do không chú ý đường đi, xe cộ.