Android là hệ điều hành mã nguồn mở dành cho nền tảng di động do Google phát triển.
Chính mã nguồn mở cùng với một giấy phép không có nhiều ràng buộc đã cho phép các nhà phát triển thiết bị, mạng di động và các lập trình viên nhiệt huyết được điều chỉnh và phân phối Android một cách tự do khiến cho kho ứng dụng của hệ điều hành Android phát triển một cách nhanh chóng.
Tính đến thời điểm hiện tại, Android đã trở thành hệ điều hành dành cho nền tảng di động phổ biến nhất thế giới (chiếm đến 85%). Android phổ biến tới mức mặc dù được thiết kế để chạy trên điện thoại và máy tính bảng, nó còn được các nhà sản xuất tùy chỉnh để cài đặt trên các Smart TV, máy chơi game và các thiết bị điện tử khác. Bản chất mở của Android cũng khích lệ một đội ngũ đông đảo lập trình viên và những người đam mê sử dụng mã nguồn mở để tạo ra những dự án do cộng đồng quản lý. Những dự án này bổ sung các tính năng cao cấp cho những người dùng thích tìm tòi hoặc đưa Android vào các thiết bị ban đầu chạy hệ điều hành khác.
Hệ điều hành Android ra mắt đầu tiên năm 2008 và đã trải qua hàng loạt các thay đổi nâng cấp để được như hiện nay.
1. Android 1.0
Hệ điều hành Android thời gian đầu ra mắt mang những đặc điểm, tính năng thú vị phải kể đến như:
Thanh thông báo kéo từ trên xuống cho phép người dùng xem nhanh các thông tin ngày giờ, tin nhắn, cuộc gọi…,
Màn hình chính và Widget: màn hình chính gồm các biểu tượng chương trình người dùng hay truy cập và các Widget là các ứng dụng nhỏ trên màn hình chính, hoạt động và cung cấp thông tin liên tục.
Tích hợp chặt chẽ với Gmail
Giao diện được cải tiến dành riêng cho điện thoại di động
2. Android 1.1
Phiên bản cập nhật đầu tiên của hệ điều hành Android giúp tinh chỉnh và sửa các lỗi gặp phải trên phiên bản 1.0. Tính năng cập nhật phần mềm từ động qua OTA (Over The Air) được bổ sung và được xem như là một cải tiến đáng giá vì các hệ điều hành di động trước đó đều phải nhờ tới một chiếc máy tính để thực hiện việc này.
3. Android 1.5 Cupcake
Android 1.5 có lẽ có vai trò cực kì quan trọng trong quá trình trưởng thành của Android khi nó bổ sung cho hệ điều hành này những tính năng nổi bật giúp nó cạnh tranh với các nền tảng đối thủ khác. Đây cũng là bản Android đầu tiên được Google gọi tên theo các món đồ ăn với chữ cái bắt đầu được xếp theo thứ tự alphabet.
Về mặt giao diện, Android 1.5 không có nhiều điểm thay đổi so với người tiền nhiệm của mình. Google chỉ điểm thêm vài điểm để làm giao diện trông bóng bẩy, mượt mà hơn một tí, chẳng hạn như widget tìm kiếm có độ trong suốt nhẹ, biểu tượng app drawer có một số hoa văn nhỏ mới, v.v. Nói chung, giao diện không phải là một điểm nhấn của Android 1.5 mà người ta quan tâm nhiều hơn đến các tính năng mới mà nó mang lại, chẳng hạn như:
Bàn phím ảo lần đầu tiên xuất hiện
Cải tiến Widget: kho ứng dụng Widget phong phú và đa dạng hơn
Hỗ trợ khả năng quay phim cho camera
Cải tiến Clipboard để nâng cao khả năng Coppy, Cut, Paste
4. Android 1.6 Donut
Phiên bản bánh Donut này, mặc dù chỉ thêm có 0.1 vào mã số của Android 1.5 nhưng nó cũng mang lại nhiều cải tiến đáng giá. Một vài điểm trong giao diện được cải thiện, vài tính năng nhỏ được thêm vào, cuối cùng là hỗ trợ cho mạng CDMA.
Bổ sung tính năng có thể chạy trên nhiều độ phân giải và tỉ lệ màn hình khác nhau, cho phép những thiết bị có nhiều độ phân giải hơn là 320 x 480. Hiện nay, chúng ta có những chiếc smartphone Android chạy ở độ phân giải QVGA, HVGA, WVGA, FWVGA, qHD, và 720p. Vài chiếc máy tính bảng còn đạt mức 1920 x 1080 nữa.
Tính năng Quick Search Box, được biết nhiều hơn trong thế giới điện thoại với cái tên Universal Search, cũng là một điểm mà Android nhận được nhiều lời khen. Bạn có thể tìm kiếm danh bạ, ứng dụng, nhạc, tin nhắn,…, tất cả đều chỉ thao tác trong một hộp tìm kiếm mà thôi.
Android 1.6 còn có gì mới? Đó là một Android Market với thiết kế mang tông màu xanh trắng đặc trưng của Android, có thể hiển thị các ứng dụng free và trả phí hàng đầu. Những ứng dụng bên thứ ba cũng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Giao diện camera mới, tíhc hợp với trình xem ảnh tốt hơn, giảm thời gian chờ giữa hai lần chụp ảnh. Nhưng cũng thường thì các nhà sản xuất cũng thay thế bằng ứng dụng của riêng mình.