11. Android 4.2 Jelly Bean
Ngày 30/10/2012, Google chính thức tuyên bố cập nhật hệ điều hành Android của hãng lên phiên bản 4.2 và vẫn giữ nguyên tên gọi "Jelly Bean" (có nghĩa là kẹo dẻo đậu). Được hãng gọi là "một hương vị mới của Jelly Bean", Android 4.2 mang trong mình nhiều tính năng mới như hỗ trợ Miracast, bàn phím có thể nhập liệu bằng cách vẽ các đường nét từ kí tự này đến kí tự khác, chế độ chụp ảnh toàn cảnh Photo Sphere, ứng dụng Gmail mới và còn rất nhiều thứ khác nữa.
Trong quá trình giới thiệu Android 4.2, Google rất tập trung nói về Miracast, một chuẩn chia sẻ nội dung số thông qua kết nối Wi-Fi mà nhờ nó, những thiết bị mới có thể truyền hình ảnh và âm thanh đến các TV có hỗ trợ chuẩn này. Google cũng đã áp dụng một số kĩ thuật từ camera Street View của hãng cho tính năng chụp ảnh toàn cảnh mới có tên Photo Sphere. Khi chạy app Camera và kích hoạt Photo Sphere, máy sẽ yêu cầu chúng ta di chuyển và ngắm vào một số điểm trên màn hình, dần dần chụp qua hết tất cả các điểm này sẽ cho ra kết quả là một bức ảnh lớn có hình mặt cầu (hơi giống PhotoSynths của Microsoft).
Một cải tiến lớn và quan trọng của Android 4.2 đó là việc hỗ trợ nhiều tài khoản người dùng trên máy tính bảng để có thể dễ dàng chia sẻ trong gia đình hoặc nơi làm việc. Mỗi tài khoản sẽ có dữ liệu app của riêng họ. Ví dụ, người dùng A cài game Angry Birds, người này chơi và đã ghi được một số điểm cũng như lên được màn cao hơn. Khi người B sử dụng máy bằng tài khoản khác, game này vẫn hiện diện trên máy nhưng dưới dạng một bản cài mới, không có sẵn data của người A.
12. Android 4.3 Jelly Bean
Lại thêm một thế hệ Jelly Bean nữa và lần này là Android 4.3. Ngày 24/7/2013, Google đã chính thức ra mắt hệ điều hành này song song với chiếc Nexus 7 (2013). Đây là phiên bản Android mới nhất đang có mặt trên thị trường và đi kèm những tính năng mới như hỗ trợ kết nối Bluetooth Smart, bộ API OpenGL ES 3.0, bổ sung tính năng sử dụng Wi-Fi để định vị ngay cả khi người dùng tắt kết nối này đi cùng nhiều thay đổi lớn nhỏ khác.
Bên cạnh tính năng Multi User của Android 4.2 như đã nói ở trên, Google bổ sung thêm một tính năng mới cho Android 4.3 đó là Restricted Profile. Mỗi thành viên sẽ có một "hồ sơ" riêng của mình và chỉ có thể làm được những gì được chỉ định trong "hồ sơ". Ví dụ, cha mẹ có thể khóa tính năng in-app purchase của một ứng dụng nào đó để ngăn con trẻ vô tình mua hàng trăm USD. Ngoài ra, khi áp dụng vào môi trường doanh nghiệp thì nó sẽ cho phép người quản trị phân quyền cho nhân viên dễ dàng hơn.
Chưa hết, Google còn làm mới trình gọi điện thoại mặc định để hỗ trợ việc tìm kiếm trong danh bạ khi người dùng bấm số, giống như kiểu bàn phím T9 trước đây. Google cũng có thêm vào Notification Access để cho phép các ứng dụng bên thứ ba truy cập và tương tác với những thông báo nằm trong notification hệ thống ngay khi chúng vừa xuất hiện.
13. Android 4.4 Kitkat
Thế hệ kế tiếp của Android là Android 4.4 và không còn mang tên Jelly Bean nữa mà gọi là KitKat. Nếu như bạn chưa biết thì KitKat là một loại bánh xốp bọc chocolate của hãng Nestle. Cách đặt tên này cũng hoàn toàn khớp với trình tự chữ cái mà các phiên bản Android sử dụng làm tên mã. Google tiết lộ thêm rằng "mục tiêu của chúng tôi với Android KitKat đó là mang trải nghiệm Android đáng kinh ngạc đến cho mọi người". Android Kitkat xuất hiện đầu tiên trên chiếc smartphone Nexus 5. Những cải tiến trên Android Kitkat bao gồm Chế độ toàn màn hình – Immersive Mode, Hiệu ứng chuyển cảnh màn hình -Transition Manager, Storage Access Framework, Chromium WebView, NFC,Cổng hồng ngoại – Infrared Blasters …
Giao diện: Tông màu chủ đạo của font chữ là xanh và đen được sử dụng trên Android Jelly Bean được Google thay đổi bằng tông màu đen và ghi trên Android 4.4 Kitkat vừa ra mắt, thể hiện rõ ở các dòng chữ trên thanh thông báo Notification. Bên cạnh đó, Android Kitkat cũng có bộ biểu tượng, folder mới, giao diện nhìn chung được làm phẳng bớt, loại bỏ các chi tiết đổ bóng và thêm hiệu ứng trong suốt vào nhiều phần, như ba phim ảo bên dưới hay thanh thông báo ở phía trên.
Phần mềm điện thoại mặc định của Kitkat được làm mới thông minh hơn, cho phép thao tác nhanh. Bên cạnh đó, Google cũng kết hợp dịch vụ tìm kiếm Google Search vào ứng dụng này, cho phép dò và tự động liên kết các danh bạ có sẵn trên Internet váo số điện thoại mới.
Từ phiên bản 4.4, ứng dụng nhắn tin truyền thông Text Messages được gộp chung với ứng dụng nhắn tin và liên lạc online Hangouts. Đây là một sự thay đổi hợp lý giúp người dùng Android có được sự thuận tiện khi liên lạc trên điện thoại, giống như iMessage trên iOS.
Bàn phím mặc định của Android được bổ sung thêm các biểu tượng Emoji.
Google cũng cho phép người dùng thay đổi giao diện (laucher) trên Android 4.4 dễ dàng hơn các phiên bản trước khi bổ sung thêm mục cài đặt Home ở trong Setting, cho phép chọn lựa các Laucher khác làm giao diện chính của thiết bị thay thế giao diện mà Google cung cấp.