Ứng dụng miễn phí có thể “mất phí”!
Ai chẳng thích các ứng dụng (app) miễn phí? Thực sự thì không có thứ gì miễn phí cả. Điều quan trọng là bạn có nhìn thấy những gì đang bị lấy đi một cách “vô hình” hay không mà thôi!
Ứng dụng miễn phí, thực ra là có mất phí
Đây chính là vấn đề: các nhà lập trình phát triển ứng dụng cũng cần phải tạo ra lợi nhuận (bằng cách nào đó).
Nếu muốn biết liệu đồng tiền mình bỏ ra khi mua app có xứng đáng thì hãy nhìn vào những tác động tiêu cực của những thứ được gọi là “miễn phí”.
Phải xem quảng cáo
Chẳng ai thích quảng cáo cả. Tất cả chúng ta đều phải xem nó bởi vì đó là sự thay thế đáng giá cho việc không phải trả tiền để mua app.
Freemium thậm chí còn đắt hơn
Freemium là các ứng dụng được phát hành dưới dạng miễn phí nhưng một số tính năng trong ứng dụng yêu cầu người dùng phải nâng cấp lên bản Premium để được trải nghiệm. Candy Crush là một trong rất nhiều thí dụ. Liệu bạn có dừng được ham muốn chinh phục khi đã lên đến level 700 và bỗng nhiên thiếu mất một bổ trợ để vượt qua màn chơi khó trong khi cửa hàng game đang có sẵn? Liệu bạn có chấp nhận phải chơi đi chơi lại nhiều lần hay trả phí để mua bổ trợ, vượt qua màn đó “ngon lành” và bắt đầu bước sang một màn mới? Một điều chắc chắn là nếu muốn chơi được lâu và tiến xa hơn, bạn phải trả phí.
Và những ứng dụng nầy giúp các nhà phát triển thu về số tiền không hề nhỏ. Năm 2014, tất cả các gói IAP (gói mua hàng trong ứng dụng) của game Candy Crush Saga giúp King thu được hơn 1,3 tỷ mỹ kim. Series game huyền thoại Final Fantasy cũng giúp Square Enix “lãnh” hơn 15 tỷ mỹ kim từ việc bán đồ cho game thủ. Thậm chí, rất nhiều hãng game khác chỉ “sống” nhờ một sản phẩm duy nhứt.
Quảng cáo và chuyện ngốn pin
Bạn có thể nghĩ rằng đó đơn thuần chỉ là một banner quảng cáo hay một video khoảng vài phút, thậm chí dưới một phút nhưng thực sự chúng có thể khiến pin điện thoại bị hao hụt rất nhanh. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi các trường đại học USC (Đại học Nam California), ICSE (International Conference on Software Engineering – Hội nghị quốc tế về kỹ thuật phần mềm) và RIT (Học viện công nghệ Rochester), các app có tích hợp quảng cáo tiêu thụ hơn 16% năng lượng pin so với các ứng dụng “sạch”. Con số này tương đương với khoảng 2,1 – 2,5 giờ sử dụng pin chẳng để làm gì cả.
Máy chạy chậm
Điện thoại theo thời gian sẽ chậm dần. Điều này xảy ra do rất nhiều nguyên nhơn nhưng một trong những lý do bị bỏ qua đó chính là các quảng cáo trong ứng dụng. Cũng theo kết luận được đưa ra từ nghiên cứu trên, các ứng dụng có quảng cáo khiến CPU hoạt động chậm đi khoảng 48% , 22% do bộ nhớ quá lớn và 56% do các tác vụ hay tiện ích chạy trên máy.
Ngốn dữ liệu
Quảng cáo gần như không thay đổi, có nghĩa là thông tin vẫn phải được tải xuống sau mỗi thời gian nhứt định chứ không giống như lúc bạn sử dụng các thông tin được lưu trữ trong bộ nhớ thiết bị. Các nghiên cứu cũng kết luận rằng quảng cáo khiến dữ liệu bị ngốn nhanh hơn khoảng 79%, thậm chí lên tới 100% tùy thuộc vào tần suất sử dụng và ứng dụng cụ thể.
Phẩm chất ứng dụng
Hiện có hơn 1,6 triệu ứng dụng trên Google Play Store và nhiều trong số đó là những ứng dụng chứa quảng cáo phiền phức. Không có nhà sản xuất nào nỗ lực hết mình để phát triển một nhu liệu chạy mượt và chất lượng nếu họ không nhận được một phần thưởng xứng đáng. Nếu nó là sản phẩm trả tiền, các chuyên viên lập trình sẽ không ngừng khiến nó trở nên hoàn hảo hơn so với trước.
Lời khuyên giúp lựa chọn được ứng dụng tốt
1. Đọc kỹ và có chọn lọc các bài đánh giá
Việc dựa vào các đánh giá của những người dùng trước hay tham khảo các bài viết từ những tạp chí uy tín là cơ sở rất hữu ích để có thể đưa ra được lựa chọn đúng đắn.Nếu có nhiều thời gian hơn, hãy so sánh các bài review, tìm kiếm bài viết liên quan đến ứng dụng và bắt đầu xài thử.
2. Dựa vào tỷ lệ Rating của ứng dụng
Với các sản phẩm được phát triển bởi các hãng uy tín và có thời gian dài tồn tại trên Google Play hay App Store thì tỷ lệ Rating là tiêu chí có mức độ chánh xác có thể tham khảo được.
3. Xem video đánh giá
Chỉ cần tìm kiếm trên YouTube là có ngay hàng loạt kết quả liên quan đến chia sẻ của những người dùng khác về một ứng dụng nào đó. Các video này thường có đi kèm mô tả bằng lời cũng như cung cấp hình ảnh chân thực về cách sử dụng, trải nghiệm và nhận xét cá nhân nên đây cũng là nguồn tham khảo tốt.
4. Dùng thử các bản rút gọn
Bản rút gọn của một ứng dụng hay game nào đó mặc dù không đầy đủ các tính năng như bản chính thức nhưng vẫn rất tốt để tải về xài thử.
5. Tìm hiểu về nhà phát hành
Một nhà phát hành uy tín luôn có các thông tin rõ ràng, bao gồm tên, trang web và địa chỉ. Chắc chắn, sẽ tốt hơn khi tải về ứng dụng hay game của các nhà phát triển nổi tiếng trên thị trường.
6. Kiểm tra thời gian cập nhật phiên bản mới nhứt
Một ứng dụng dù tốt nhưng phiên bản hiện tại được cập nhật cách đây khoảng 1, 2 năm, thậm chí dù chỉ vài tháng thì cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Theo:
thoibao.com