Không gian rộng rãi, thoáng mát. Có quạt hay máy lạnh với đầy đủ điện đèn, còn có cả tivi, máy tính, wifi... Tù nhân có thể đọc sách suốt ngày và nghỉ ngơi thư giãn với không gian rộng rãi đầy nắng ấm. Đó là đâu?
Thật bất ngờ! Nhà tù đó không phải ở những nơi tội phạm bắt tay với cảnh sát như các nước Nam Mĩ. Cũng không phải vùng đất bí hiểm của những bộ tộc khác thường ở Châu Phi. Vậy nó đặt ở Châu Âu phồn hoa chăng? Không hề.
Nó có mặt khắp mọi nơi trên thế giới, không loại trừ bất kì quốc gia nào. Và Việt Nam cũng có! Nó được đặt tên hết sức nhân văn, hết sức tiến bộ, hết sức đẹp đẽ: Giáo dục.
Bạn không tin? Bạn cảm thấy tôi đang phỉ báng? Bình tĩnh, có một câu chuyện thế này.
Người ta bắt vào hang tối những con quạ, khỉ, chim cánh cụt, voi, cá, hải cẩu, và chó sơ sinh. Mỗi con vật được đặt ở một nơi cố định, hạn chế tiếp xúc và tuyệt đối không được ra ngoài. Ngày qua ngày, người ta chiếu lên trần hang về hình ảnh những thứ bên ngoài, người ta kể cho chúng nghe về thế giới, dạy cho chúng cách cầm thìa ăn cơm, cách để hát, cách để trồng cây... Họ còn chỉ cho chúng làm cách nào để sống ở bất cứ đâu: Lên núi phải đi giày đinh và đeo dây an toàn, xuống biển phải biết bơi và tránh xa những con sóng dữ, vào rừng phải biết tạo ra lửa và nhận biết cái gì ăn được...
Và cuối cùng, họ thả chúng ra khi nghĩ chúng đã biết đủ mọi thứ để tồn tại. Nhưng...
Con quạ cố bơi xuống biển để bắt cá như mọi người và chết đuối.
Chim cánh cụt cố cấy lúa như mọi người nhưng không được và chết đói.
Voi cố dùng tay cầm thìa như mọi người rồi cũng chết đói.
Con cá muốn lên núi tìm hoa trái như mọi người để rồi chết khô.
Hải cẩu vào rừng với mọi người và nó bị lạc.
Chó cố bay lên trời như mọi người và rơi xuống tan xác.
Còn khỉ? Nó làm được mọi thứ, nó đã sống sót. Nhưng nó không biết cách ứng xử với đồng loại nên nó phải sống trong cô độc.
Tôi muốn hỏi: Bạn là ai? Những bài học trên lớp có cho bạn tìm thấy lý tưởng sống, ý nghĩ sống của bạn là gì? Hay bạn đã học được chúng ở bên ngoài mái trường? Bên ngoài giờ học chính thức? Khi những thầy cô đang nói đến những thứ không liên quan gì mấy đến sách vở và bài tập?
Nếu bạn trả lời thật rốt ráo và rõ ràng, xin chúc mừng, bạn là người thật sự may mắn vì đã tự mình học cách làm chủ cuộc đời. Nhưng mỗi khi hè về, tôi biết có hàng trăm ngàn sĩ tử đã không tài nào chọn lựa được: mình phải đi đâu, làm gì cho tương lai của chính mình.
Đừng lầm tưởng Giáo Dục là học
Một đứa trẻ được yêu cầu vẽ gà, nhưng cái nó thích thú là tô những màu sắc tương phản thành khối đậm. Kết quả là một bức tranh không phải gà. Bạn sẽ nói gì? Đứa trẻ thật sự dốt nát khi không biết con gà thật sự như thế nào? Hay đứa bé kém cỏi và không nên học mỹ thuật nữa, hãy cho nó học đàn? Nếu là tôi, đứa trẻ đó đang có tiềm năng hội họa to lớn ở trường phái Lập thể, Dã thú - Fauvism. Và thay vì nó trở thành một họa sĩ, đứa trẻ lớn lên có lẽ đã thi xong đại học mà không biết mình đậu hay rớt, học ở đâu, học cái gì, học để làm gì.
Và quan trọng hơn, hình như con bạn đang học đúng những thứ bạn đã học, và bạn thì học những thứ người lớn đã được dạy!
Một cuốn sách giáo khoa được dạy trong bao lâu? 1 năm, 10 năm hay 20 năm? Kiến thức thì thay đổi trong bao lâu? 1 tháng, 1 tuần hay 1 ngày?
Có phải đây là chính sách ngu dân cấp tiến không? Khi mà ta cần một con bu lông thì giáo dục cho ta 1 thùng đinh thép!
Dù qua mấy chục năm cải tiến, người ta cố làm chìm đi những góc độ tiêu cực của giáo dục, thì có những thứ không bao giờ từ bỏ: cào bằng, phi thực tế và áp đặt.
Nghịch lý ở khắp nơi
Bạn nghĩ rằng biết thật nhiều là cách để thành công? Thế bạn có dùng tích phân để tính diện tích miếng thịt bò bạn sắp mua? Bạn có dùng kiến thức về phân loại thực vật để xác định tên rau ngoài chợ? Hay bạn chỉ dùng quy tắc bàn tay phải khi xin đi nhờ xe?
Nền giáo dục lý tưởng không ép bạn phải học bất đẳng thức Cauchy khi bạn muốn (và có năng lực) trở thành nhà văn, không đòi bạn phải vẽ ra Obitan lai hóa khi bạn muốn theo nghề ca sĩ, không buộc bạn phải học nguyên lý bảo toàn năng lượng khi bạn muốn làm một nhà ngôn ngữ Hán Nôm. Sự thật là bạn bị bắt làm những thứ bạn không muốn và không đủ khả năng để làm khi tham gia vào giáo dục.
Các bạn có biết tỉ lệ những học sinh trường chuyên trở nên ân hận khi học hết ba năm ở trường chuyên là bao nhiêu không? Quá nửa! Chúng nó ân hận vì được học trong một môi trường giáo dục tốt hơn hẳn mặt bằng chung! Nghịch lý chưa?
Một đứa trẻ 6 tuổi đã tham gia vào nền giáo dục. Đến khi 18 tuổi nó bắt đầu thù ghét nền giáo dục mà nó đã hưởng thụ, nó chống đối, nó phản kháng, thậm chí là phản kháng hết sức ngốc nghếch. Nó đưa ra những lý luận hời hợt, nông cạn, rải tài liệu Lịch Sử xuống sân trường, đốt sách Văn như tế sống. Chúng nó sai không? Sai.
Nhưng cái gì đã tạo ra những đứa trẻ sai lầm đó? Tự bản thân chúng sinh ra đã là một con ác quỷ? Không bao giờ! Một vài đứa tư duy lệch lạc thì có thể do chúng không có môi trường sống tốt. Nhưng hàng trăm, hàng ngàn đứa học trò như thế thì nghĩa là chúng đã được dạy như vậy! Tôi không vu khống toàn thể giáo viên dạy học sinh trở thành đứa hư hỏng, nhưng ở rất nhiều trường hợp, điều đó đã xảy ra cả vô tình lẫn cố ý.
Vậy thì giáo dục và học có thể tiệm cận với nhau không? Và bằng cách nào?
Nếu bạn không biết một đứa trẻ sinh ra để trở thành người như thế nào, hãy làm những phép thử. Và phép thử đó không phải là đẩy chúng vào lớp năng khiếu. Trường học lại càng không, vì không có phép thử nào kéo dài 12 năm học.
Giáo dục lý tưởng khởi đầu là một công viên: đu quay, tàu lượn, trượt máng... hiện ra ngay trước mắt. Học hỏi, khám phá là một bản năng của mọi đứa trẻ. Vậy thì cái gì đáp ứng được nhu cầu thị phạm cho trẻ học hỏi và vui chơi cùng một lúc? Lại còn đa dạng phong phú, nhưng vẫn có chuyên sâu cho mọi lĩnh vực?
Đó là bảo tàng.
Giáo dục lý tưởng
Có bốn loại bảo tàng, một trong số đó là dành riêng cho trẻ em. Chúng sẽ thấy được sự kì diệu của những loài côn trùng, sự tinh tế của nhạc cụ, tò mò với các thí nghiệm, những loại đầu máy hơi nước, những bộ xương hóa thạch... Chúng sẽ sờ trực tiếp vào hiện vật, trực tiếp tham gia vào các hoạt động. Chúng sẽ thể hiện năng lực và tâm lực của bản thân ở những lĩnh vực chúng thích thú.
Sau khi đã biết chúng thích cái gì thì mới đến lúc chúng ta thử xem khả năng của chúng đến đâu. Chúng ta cho chúng tham gia các câu lạc bộ, với những người giảng dạy chủ yếu là kích thích bản năng tư duy và sáng tạo của chúng. Không phải áp đặt con gà trống có hai cánh, chân bốn ngón kèm một cựa.
Chính sách giáo dục đúng đắn với những lựa chọn nằm trong tay học sinh, còn giáo viên chỉ là người quan sát, đánh giá, tư vấn. Cách học gợi mở, không khuôn khổ, tạo điều kiện thảo luận, tranh luận, biện luận. Các hoạt động hội nhóm trở thành nơi giao lưu trao đổi tri thức, để tìm tòi nghiên cứu, chia sẻ quan điểm và giá trị bản thân tới tập thể. Nói cách khác đó chính là tái hiện nâng cao của ngôi trường đầu tiên trên thế giới: Akademia.
Nói tóm lại mẫu giáo làm gì? Cho chúng tham quan.
Cấp một làm gì? Cho chúng phương pháp nhân sinh quan, thế giới quan, giá trị quan cơ bản để nhận định cuộc sống.
Cấp hai? Phát triển tư duy, tạo kiến thức nền cơ bản và phương pháp phân tích, biện luận, phân hóa hướng nghiệp rõ ràng.
Cấp ba: Những tri thức phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Đóng góp và thể hiện giá trị của bản thân cho tập thể.
Đại học: Chuyên sâu.
Sau đại học: Bậc thầy.
Thực tế phũ phàng
Nhưng hỡi ôi! Hãy nhìn lại đất nước của ta! Bảo tàng của chúng ta có gì? Mạng nhện, mốc, gạch bể, lèo tèo đồ rỉ sét, súng đạn và ế ẩm quanh năm! Sân của nó còn được trưng dụng bán cà phê, quán ăn hay là bãi giữ xe.
Thay vì giới thiệu cái hay cái đẹp để trẻ con thích thú lựa chọn, thì chúng bị đưa vào những lớp học năng khiếu một cách bất chấp, để nghe những lời lẽ thế này: "Có lỗ tai không mà không nghe theo nhịp nhạc!" hay "Mắt để làm gì mà vẽ bậy bạ nghệch ngoạc?"
Mặt bằng chung của lớp một là nhồi sọ, quy chuẩn đến mức phép cộng trừ nhân chia cũng học thuộc.
Kiến thức cấp ba thì lặp lại kiến thức cấp hai. Toán lớp 11 dùng để thi đại học môn Sinh, Sinh lớp 10 là để thi Hóa, Hóa lớp 10 để thi Lý, Lý lớp 10 thi Toán đại học. Giáo Dục Công Dân trở thành đồ bỏ, Công Nghệ thành giờ ra chơi, Sử thì học trò chỉ muốn ném vào thùng rác, Văn học tinh hoa thì bị giày vò bởi văn mẫu...
12 năm liên tục phải học những kiến thức chỉ hữu dụng khi thi đại học, Đấu trường 100, Ai là triệu phú, Con biết tuốt, Rồng Vàng,...
Đại học... Chúng ta đang ở đâu trên bản đồ thế giới?
Đừng bảo chúng ta nghèo. Khi mà 63 tỉnh thành đều có công ty xổ số kiến thiết hàng năm đóng góp mấy ngàn tỷ vào ngân sách tỉnh nhà. Chúng ta đang keo kiệt với giáo dục?
Nhà trường không phải nhà tù, giáo viên không phải là cai ngục. Nhưng sự tù túng của giáo viên, học sinh, phụ huynh dưới nền giáo dục này biết lấy cái gì để so sánh đây?
Nguồn: Ohay.tv
P/s: Nhìu cái đúng cũng có nhìu cái sai