Khi chúa Nguyễn Hoàng vào Nam gầy dựng Xứ Đàng Trong, ông mang theo tập quán kỵ húy từ miền ngoài vào. Nhưng ở Xứ Đàng Ngoài, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, với nhiều biến cố lên xuống của các triều đại, lòng người tan hợp thăng trầm theo mệnh nước, nhiều tiếng kỵ húy của triều đại trước bị triều đại sau xóa bỏ, và chúng đã mai một đi trong trí nhớ người dân, còn để lại rất ít dấu vết trong ngôn ngữ những lưu dân theo chân Nguyễn Hoàng vào Nam. Mà đã vào vùng đất mới này tức thoát khỏi vòng cương tỏa của triều đình, họ chẳng thèm sợ húy gì của vua chúa cũ nữa. Bản thân vị Chúa Tiên cũng chỉ áp đặt tập quán đó cho thần dân của mình ở vùng đất mới chớ chẳng bận tâm đến những từ húy kỵ nơi "cố quốc". Có lẽ vì thế mà trong ngôn ngữ người dân miền Nam chỉ có những từ húy từ tên các vua chúa nhà Nguyễn.
Trong khi người dân Xứ Đàng Trong tha hồ gọi tên húy của các vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, thì họ bị quy định hết sức ngặt nghèo trong viết hay nói các từ trọng húy của vua chúa nhà Nguyễn. Vì vậy trong ngôn ngữ xuất hiện những từ rất oái oăm: Kỷ ngươn, Rằm thượng ngươn, thay vì kỷ nguyên, rằm thượng nguyên (để kiêng tên chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên); can đởm, thay vì can đảm, đởm lược thay vỉ đảm lược (kiêng tên vua Minh Mạng Nguyễn Phúc Đảm), Thới bình, tên một huyện ở Cà Mau, thay vì Thái bình (kiêng tên chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái); các tên thôn (hiện nay là xã) như Thới Tam, Thới Tứ, Tân Thới Nhứt, Tân Thới Nhì, Xuân Thới Đông, Xuân Thới Sơn... thuộc khu vực Hóc Môn thành phố Hồ Chí Minh, là tuân theo sự kỵ húy đó. Làng Tân Kiểng xưa (Bây giờ còn Đình Tân Kiểng và chợ Tân Kiểng ở Phường 2, quận 5, Sài Gòn) vốn có tên là Tân Cảnh (trùng tên húy Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh, con cả vua Gia Long). Từ Hoàng được đổi thành Huỳnh vì kỵ tên của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Gọi màu hồng thành màu hường, nói nhiệm chức thay vì nhậm chức để tránh tên Nguyễn Phúc Hồng Nhậm của vua Tự Đức. (Ngô Thời Nhiệm thay cho Ngô Thì Nhậm, Ngô Tòng Châu thay cho Ngô Tùng Chu cũng vì vậy. (Chu là tên Chúa Quốc Nguyễn Phúc Chu). Người miền Nam quen nói Tôn giáo, thay vì tông giáo để kiêng tên vua Thiệu Trị Nguyễn Phúc Miên Tông. Cũng vì tránh tên ông vua thứ ba của nhà Nguyễn này mà tất cả các chữ Tông trong các đế hiệu như Lý Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Lê Trung Tông, v.v... đểu được đổi thành Tôn: Lý Thánh Tôn, Trần Nhân Tôn, Lê Trung Tôn...
Có thời người miền Nam nói cúng kiếng thay vì cúng kính, kiếng lễ, thay vì kính lễ, để kiêng tránh tên Nguyễn Hữu Kính, tên húy của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, một danh tướng dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, có nhiều công lao hiển hách trên gần suốt cả đất nước xứ Đàng Trong. Tên ông là Nguyễn Hữu Kính, nhưng do kiêng húy, người ta nói trại ra là Cảnh. Khoảng một trăm năm sau, vì kiêng tên hoàng tử Cảnh, người ta lại gọi trại một lần nữa từ Kính thành Kiếng. Vì vậy, Nguyễn Hữu Cảnh chỉ là tên kỵ húy chớ không đúng tên thật [5]. Nguyễn Hữu Kính từng thành lập Trấn Thuận Thành, hiện nay là vùng đất từ tỉnh Bình Thuận đến Ninh Thuận và trấn giữ Dinh Bình Khang, nay là vùng đất từ tỉnh Ninh Thuận ra đến Khánh Hòa; vào năm 1698 ông được chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào miền Nam củng cố và mở rộng đất Sài Gòn Gia Định. Tuy không phải mà một vị chúa, nhưng ông từng làm quan trấn nhậm, được nhân dân ngưỡng mộ suốt từ miền Trung vào đến miền Nam, nên họ tự kiêng tránh tên húy của ông.
Người miền Nam nói Sơn là núi mà không nói San, vì đó là tên vua Duy Tân Nguyễn Phúc Vĩnh San. Sau năm 1975, nhiều người miền Nam bắt chước người miền Bắc nói phản ánh thay vì trước đó họ nói phản ảnh (ảnh dấu hỏi) để tránh tên vua Gia Long Nguyễn Phúc Ánh. Ngay chữ Phúc trong tên các vua chúa nhà Nguyễn cũng phải nói trại đi là Phước. Trước kia, miền Nam có các tỉnh Phước Long, và Phước Tuy (được chánh phủ VNCH thành lập năm 1956) mà theo sách Phương Đình Dư Điạ Chí vốn là Phúc-Long- phủ và Phúc-Tuy- phủ thuộc tỉnh Biên Hòa.
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước có một bài hát Lên Đàng. Đàng là từ người miền Nam nói trại từ Đường (tên vua Đồng Khánh Nguyễn Phúc Ưng Đường). Tuy nhiên Đàng không phải là một từ mới đặt mà người ta lấy một từ cũ có sẵn. Từ Đàng đã có ghi trong An Nam Dịch Ngữ, một loại "tự điển" Tàu Việt do người Tàu soạn từ Thế kỷ 15, với nghĩa tương đương là Đường (đi).
Sự kỵ húy của nhà Nguyễn không chỉ giới hạn trong tên các vua chúa mà mở rộng đến tên hoặc thậm chí cung điện của các bà vương hậu (tức hoàng hậu, vì các vua nhà Nguyễn không đặt hoàng hậu, trừ ông vua cuối cùng là Bảo Đại). Người miền Nam nói nhơn ngãi thay cho nhân nghĩa, chắc vì kiêng tên của các bà vợ vua nào chăng? Tuy sách Phương Đình Dư Địa Chí viết tỉnh Quảng Nghĩa (廣義) nhưng người dân đều vì kỵ húy mà nói trại thành Quảng Ngãi. Những người dịch sách Đại Nam Nhất Thống Chí [6] cũng viết Quảng Ngãi, dù chữ nho trong sách là Quảng Nghĩa.
Theo
Wikipedia.
Đã chỉnh sửa bởi KingYA (26.05.2017 / 14:42) [1]