Văn chương, phim ảnh, hý kịch... đã phủ lên vị quan thanh liêm Bao Công tấm màn huyền hoặc, thần thánh khiến hình tượng Bao Công càng lúc càng xa sự thật.
L.T.S: Cuộc Đại Cách mạng văn hóa của Trung Quốc đã quét sạch những gì còn lại của Bao Công - vị đại thần triều Bắc Tống: thanh danh bị phỉ báng, từ đường bị phá hủy, hài cốt bị tuyệt tích… Nhưng qua đó cũng làm phát lộ nhiều thông tin quý giá về một Bao Công chân thực mà trong chính sử lẫn dã sử đều không đề cập đến.
Văn chương, phim ảnh, hý kịch... đã phủ lên vị quan thanh liêm Bao Công tấm màn huyền hoặc, thần thánh khiến hình tượng Bao Công càng lúc càng xa sự thật. Khi Bao Công qua đời, vua Tống Nhân Tông Triệu Trinh đã căn cứ vào đức hạnh của ông mà ban thụy hiệu hai chữ “Hiếu - Túc” để thờ. Hiếu là hiếu hạnh, túc là nghiêm khắc, ngay thẳng.
Từ quan phụng dưỡng cha mẹ
Theo “Tống sử”, Bao Chửng tự là Hy Nhân, sinh năm 999 tại Giải Tập, huyện Đông, Lư Châu. Cha là Bao Lệnh Nghi từng làm tri huyện Huệ An ở Phúc Kiến. Bao Công từ nhỏ ham học. Khoa thi năm Thiên Thánh thứ 5 (1027), Bao Công đậu tiến sĩ, được bổ làm tri huyện Kiến Xương nhưng vì cha mẹ già yếu nên Bao Công từ quan, ở nhà phụng dưỡng cha mẹ, nổi tiếng là người con hiếu thảo. Sau khi cha mẹ qua đời 10 năm, cư tang thủ hiếu xong, Bao Công lúc ấy 38 tuổi mới bước ra chính trường.
Khánh thành từ đường của Bao Công tại TP Hợp Phì, tỉnh An Huy - Trung Quốc
Bao Công ra làm quan muộn, tính cho đến lúc qua đời chỉ có 27 năm. Trước sau ông gánh vác công việc ở bộ Công, bộ Hình, bộ Binh, bộ Lễ. Ở lĩnh vực tài chính - kinh tế, Bao Công làm qua các chức Phán quan, Phó sứ, Chuyển vận sứ, cuối cùng là Tam ty sứ - phụ trách tài chính của cả triều Tống.
Ở lĩnh vực giám sát, ông làm qua Giám sát ngự sử, Tri gián viện, Gián nghị đại phu, Ngự sử trung thừa, can gián cả vua. Bao Công cũng từng giữ chức Kình sư vệ nhung biên quan, coi quản quân đội trước khi vào “Nhị phủ” làm Khu mật Phó sứ, tương đương phó Tể tướng, vị trí rất quan trọng trong cơ quan quyền lực tối cao của triều Tống. Ông được phong hàm Thiên Chương các đãi chế, Long Đồ các trực học sĩ, Khu mật trực học sĩ.
Tuy vậy, Bao Công vẫn chỉ ở hàm “nhị phẩm”, chưa bao giờ là “Tướng gia”, không có quyền tiền trảm hậu tấu bằng long - hổ - cẩu đầu đao như trong truyện hay trên sân khấu. So về chức vụ trong triều Bắc Tống, Bao Công còn kém xa so với Phú Bật, Hàn Kỳ, Văn Ngạn Bác; về văn chương chữ nghĩa, Bao Công không thể bằng những danh nhân lừng lẫy như Âu Dương Tu, Tư Mã Quang, Tô Đông Pha; về quân sự, lý luận và đường lối cải cách triều chính, Bao Công không sánh được với Bàng Tịch, Vương An Thạch, Phạm Trọng Yêm...
Tuy nhiên, nếu chỉ là một quan viên bình thường thì danh tiếng Bao Công không thể nào vượt lên được những nhân vật hiển hách đương thời để trở thành người có ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử văn hóa Trung Hoa.
Can vua, trị quan
Khu mật Phó sứ Ngô Khuê viết trên mộ chí Bao Công: “Triều Tống có bề tôi ngay thẳng, chính trực… danh tiếng vang rền thiên hạ, dù chốn ngoại di vẫn phục tên ông. Từ đại phu trong triều cho đến kẻ sĩ phương xa đều không gọi ông bằng chức quan mà gọi là Bao Công”.
Âu Dương Tu - một trong “Đường Tống bát đại gia” - tuy có ý chê Bao Công “sở học có chỗ chưa thấu đáo nên việc lớn trong triều có lúc chưa thông” nhưng phẩm bình Bao Công là “lúc nhỏ có nết hiếu hạnh, tiếng thơm lan nơi thôn dã; lúc lớn tính ngay thẳng, vang dội chốn triều đình”.
Sau khi Bao Công qua đời 4 năm, sử gia Tư Mã Quang - thừa tướng triều Tống - nhận xét: “Thời Tống Nhân Tông có Bao Chửng nổi tiếng về công bình chính trực”. Theo “Lưỡng triều quốc sử” được biên soạn vào đời Tống, phần “Bao Chửng truyện” viết: “Chửng tính không a dua bè phái, chưa từng sửa nét mặt để làm vừa lòng người khác. Bình sinh không chút riêng tư, dù bà con thân thuộc cũng không gặp mặt. Y phục, đồ dùng, ăn uống lúc hiển quý vẫn như lúc áo vải”.
Bao Công nhiều lần dâng sớ thẳng thắn can ngăn vua Nhân Tông, đề nghị cải cách quan chế, khoan sức dân, sử dụng nhân tài, nghiêm trị quan lại tham nhũng, chỉ trích tội lỗi của các hoàng thân quốc thích và đại thần trong triều.
Trương Nghiêu Tá là bác ruột của Trương Quý Phi, tức Ôn Thành hoàng hậu - người được vua Nhân Tông sủng ái nhất. Dù bất tài nhưng là “quốc trượng”, Nghiêu Tá được thăng từ tri huyện lên tri phủ Khai Phong rồi Tam ty sứ nắm giữ tài chính triều đình. Bao Công liên tục 3 lần dâng sớ can ngăn, phải dùng người tài đức chứ không vì quan hệ riêng tư: “Bà con thân thuộc của hậu phi dù là người giỏi cũng không cho giữ trọng nhiệm, huống hồ kẻ vô tài đức như họ Trương”.
Trước sự can gián quyết liệt, vua Nhân Tông bãi chức Tam ty sứ của Trương Nghiêu Tá nhưng lại điều nắm giữ cả 4 chức vụ quan trọng khác, vị thế không thua Tể tướng. Tháng 11 năm Hoàng Hựu thứ 2 (1050), một hôm vừa bãi chầu, Bao Công liền cùng Vương Cử, Ngô Khuê đến trước mặt vua trình bày chủ kiến phản đối. Bao Công tranh biện nói năng dõng dạc, từ lý quyết liệt khiến nước bọt văng cả vào mặt vua. Nhân Tông tuy rất giận nhưng không trách tội Bao Công “trực gián phạm nhan”, đồng thời hạ lệnh bãi bỏ bớt 2 chức vụ quan trọng của Trương Nghiêu Tá.
Tham mưu truất phế kẻ bất tài
Khi làm Ngự sử Trung thừa, chủ quản Ngự sử đài là cơ quan giám sát cao nhất, Bao Công dâng sớ chỉ trích đại thần Trương Phương Bình ở Tam ty sứ là kẻ lạm dụng quyền thế, lấy công mưu tư, vơ vét của dân. Tống Nhân Tông chuẩn tấu, miễn trừ chức vụ của Trương Phương Bình, cho Lại bộ Thị lang Tống Kỳ thay thế.
Tống Kỳ là người đa tài, cùng anh trai là Tống Dưỡng đậu tiến sĩ, đương thời rất có tiếng nhưng Tống Kỳ khi làm tri châu Ích Châu (Thành Đô, Tứ Xuyên ngày nay), từng nuôi dưỡng nhiều ca kỹ, đam mê tửu sắc.
Vì thế, khi Tống Kỳ mới nhậm chức được 20 ngày thì bị Bao Công dâng sớ kể lỗi cũ, đồng thời thẳng thắn chỉ rõ rằng Tống Dưỡng là Khu mật sứ, chức vụ tương đương Tể tướng, nay lại cho Tống Kỳ nắm giữ toàn bộ tài chính quốc gia nữa thì 2 anh em quyền hành khuynh đảo thiên hạ, rất khó giám sát. Tống Nhân Tông lại tiếp thu ý kiến của Bao Công, điều Tống Kỳ đi Trịnh Châu, tách khỏi cơ quan trung ương.
Kỳ tới: Kỳ án - Hư và thật
Bài và ảnh: Thiên Tường (nld.com.vn)