Tuy Bao Công là vị quan thanh liêm và xử nhiều vụ án nổi tiếng nhưng hầu hết những vụ án được sách vở và phim ảnh truyền bá đều là hư cấu.
Về phá án, trong chính sử chỉ chép 2 vụ liên quan đến Bao Công. Một vụ lúc ông làm tri huyện Thiên Trường và một vụ khi đã đứng đầu Tri gián viện
Vụ án huyền thoại: Mạo danh thái tử
Đây là vụ án có thật làm chấn động triều dã, là gốc tích để truyền thuyết dân gian, tiểu thuyết, sân khấu... dựng thành “
Ly miêu tráo thái tử”, “Đả long bào” hay “Bao Công xử án Quách Hòe” nổi tiếng mà ai cũng nghe qua.
Nguyên là vua Tống Nhân Tông Triệu Trinh lên ngôi năm Càn Hưng nguyên niên (1022) lúc 13 tuổi, tại vị đến 42 năm. Trong hậu cung, vua lập phi tần, mỹ nữ vô số nhưng đáng buồn chỉ có 2 con trai nhưng đều chết khi còn rất nhỏ. Nhân Tông vô cùng đau khổ và chuyện có hoàng tử nối nghiệp trở thành đại sự của triều đình.
Vào tháng 4 năm Hoàng Hựu thứ hai, cả kinh thành bỗng trở nên vô cùng náo nhiệt, ở đâu cũng bàn tán chuyện hoàng tử lưu lạc trong nhân gian đang đi tìm gặp hoàng đế. Theo đó, một thanh niên tên là Lãnh Thanh, tự xưng là hoàng tử, cùng đi với một đạo sĩ ở Lư Sơn tên Cao Kế An, đến khắp lục bộ đòi vào cung gặp vua để nhận tông thân. Lãnh Thanh nói rằng mẹ là Vương thị, vốn là cung nữ trong cung, từng được vua Nhân Tông “lâm hạnh” và ban cho “Long phụng tú”, tức tấm lụa che bụng lúc ân ái.
Mô phỏng công đường của Bao Công với long - hổ - cẩu đầu đao
Lãnh Thanh tướng mạo khôi ngô, tuấn tú, cử chỉ khoáng đạt, ăn nói dõng dạc, đến đâu cũng xưng hoàng tử, lúc nào cũng có đám đông hiếu kỳ vây quanh, thậm chí nhiều quan viên thấy phong thái của Lãnh Thanh cũng sinh lòng nể sợ, cho là “long chủng”.
Số cung nữ nhập và xuất cung hằng năm đều rất đông, ngay hoàng đế cũng không thể xác quyết có hay không trường hợp “lọt sổ” hy hữu này. Vua lại đang khao khát hoàng nam. Nếu đúng là có thì đây là phúc lớn của hoàng triều nhà Tống. Sau khi suy xét, Tống Nhân Tông truyền chỉ chuyển vụ án này cho quan chưởng quản Tri gián viện là Bao Công cùng Hàn lâm học sĩ Triệu Khái nhanh chóng điều tra.
Đúng như Lãnh Thanh nói, mẹ y vốn là cung nữ, nhập cung được 3 năm thì xuất cung, sau đó kết hôn với một người bán thuốc tên là Lãnh Tự, sinh con gái đầu là Lãnh Diễm, tiếp theo là Lãnh Thanh. Bao Công thẩm vấn Vương thị mới biết Lãnh Thanh từ nhỏ không chịu học hành, ăn chơi lêu lổng, lớn lên không nghề nghiệp, chẳng biết phiêu du nơi đâu. Hỏi về tấm long phụng tú vua ban, Vương thị tìm không thấy, mới biết là Lãnh Thanh đã cầm đi. Bao Công nghi hoặc, Lãnh Thanh chẳng có học hành, sao có thể nghĩ đến chuyện mạo xưng thái tử.
Bao Công cho bắt 2 thầy trò Lãnh Thanh tách riêng để thẩm vấn. Khi gặp Bao Công, Lãnh Thanh vẫn dõng dạc xưng mình là hoàng tử. Bao Công hỏi: “Mẹ ngươi đúng là từng ở trong cung nhưng ngươi rõ ràng là có một chị gái, sao chị ngươi không xưng là công chúa mà ngươi lại dám nhận là hoàng tử?”. Lãnh Thanh cứng họng.
Bao Công tiếp tục truy vấn, Lãnh Thanh khiếp uy đành cúi đầu nhận tội là đã nghe theo lời của Cao Kế An. Nếu sự việc trót lọt, Lãnh Thanh được vua Nhân Tông nhận trở thành thái tử rồi kế vị hoàng đế thì Cao Kế An chắc chắn sẽ là nhất phẩm đại thần trong triều. Từ đó, Cao Kế An huấn luyện cho Lãnh Thanh cách đi đứng, ăn nói thật giống bậc vương giả, ngày ngày đều tập diễn luyện đóng vai hoàng tử cho thuần thục. Lại dặn dò Lãnh Thanh nếu vạn nhất chuyện không thành thì cứ giả dạng điên cuồng là xong. Không ngờ gặp phải Bao Công quá cao tay đã sớm lật tẩy màn kịch.
Hư cấu những vụ án nổi tiếng:
Ngoài 2 chuyện được chép trong chính sử ra, những vụ xử án nổi tiếng khác của Bao Công như “Chém Bao Miễn”, “Xử án Trần Thế Mỹ”, “Trảm Bàng Dục”... thì đều là tuồng tích “diễn dịch”, kiểu “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Tra hết gia phả cũng như khu mộ gia tộc họ Bao không thấy có ai tên Bao Miễn. Bao Công lại là con một, không có anh em nên không thể có cháu ruột. Còn Trần Thế Mỹ là nhân vật có thật nhưng lại ở vào đời... Thanh, cách Bao Công đến hơn 600 năm.
Trần Thế Mỹ tên thật là Niên Cốc, tên khác là Thục Mỹ, người huyện Quân (nay là thành phố Đan Giang Khẩu, tỉnh Hà Bắc). Ông đậu tiến sĩ vào năm Thuận Trị thứ 8 (1651), từng làm Án sát sứ, Bố chính sứ ở Quý Châu, là người liêm khiết có tiếng.
Cũng như Chu Du là nạn nhân của La Quán Trung, Trần Thế Mỹ là nạn nhân của 2 người bạn là Cừu Mộng Lân và Hồ Mộng Điệp - tác giả của vở hý khúc “Tần Hương Liên ôm tỳ bà” được soạn từ “Tỳ bà ký”, oán trách Thế Mỹ tham giàu sang phụ nghĩa bạc tình, cuối cùng bị... Bao Công chém.
Tiểu thuyết, sân khấu dân gian cũng làm điên đảo trắng đen, ngay gian lẫn lộn. Nhân vật phản diện “Bàng thái sư” tuy được lấy nguyên hình từ gian thần Trương Nghiêu Tá nhưng tai tiếng thì Bàng Tịch lãnh đủ.
Bàng Tịch (988-1063) là trung thần, tài giỏi, đậu tiến sĩ năm 1015, là thầy của Địch Thanh, Tư Mã Quang, bạn của Phạm Trọng Yêm, Hàn Kỳ, làm quan đến Khu mật sứ - tương đương Tể tướng, nhiều lần thẳng thắn can gián vua và ái phi, được gọi là “Thiên tử Ngự sử”. Ông có con là Bàng Nguyên Anh, cháu là Bàng Cung Tôn đều làm quan, không có ai là Bàng Dục phạm tội bị Bao Công chém cả.
Bao Công bị cách chức
Năm Chính Hòa thứ hai (năm 1055), Bao Công đang làm tri phủ Lư Châu thì có viên Phán quan quân sự Liễu Châu là Lư Sĩ An phạm lỗi bị triều đình xử phạt. Điều đáng nói, Lư Sĩ An là người được Bao Công “bảo cử” - giới thiệu, tiến cử có bảo lãnh từ 8 năm trước khi ông làm Chuyển vận sứ Thiểm Tây.
Theo quy định hành chính đương thời, người được bảo cử làm quan mà phạm pháp thì người bảo cử bị liên đới. Do đó, Bao Công bị giáng một cấp, bãi hàm Hình bộ Lang trung vừa được thăng và bị biếm khỏi phủ Lư Châu, làm tri châu Trì Châu.
Kỳ tới: Bao Công với Khai Phong phủ
Bài và ảnh: Thiên Tường (nld.com.vn)
Đã chỉnh sửa bởi Cọp (10.06.2015 / 21:52) [1]