Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm điều hành tuyến cáp quang biển AAG, dự kiến 14h chiều ngày 5/5/2015, tàu sẽ đến vị trí hàn nối cáp và đến 19h ngày 10/5/2015 công tác hàn nối sẽ hoàn tất, tuyến cáp AAG khôi phục 100% kênh truyền.
Kể từ khi được đưa vào hoạt động năm 2009, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG đã nhiều lần gặp sự cố (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Trung tâm điều hành tuyến tuyến cáp quang biển quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (Asia Gateway Pacific - AAG) vừa chính thức thông báo lịch sửa chữa, khắc phục sự cố xảy ra ngày 23/4/2015 với tuyến cáp AAG.
Theo đó, dự kiến vào 14h chiều ngày 5/5/2015, tàu sửa chữa sẽ đến vị trí hàn nối cáp, 14h chiều ngày 7/5 sẽ bắt đầu công tác hàn nối, 6h sáng ngày 8/5 sẽ thực hiện xong mối nối đầu tiên. Và đến khoảng 15h chiều ngày 9/5/2015 sẽ thực hiện xong mối hàn cuối cùng. Dự kiến đến 19h ngày 10/5/2015, công tác hàn nối sẽ hoàn tất. Khi đó, 100% kênh truyền tuyến cáp quang biển AAG được khôi phục, kết nối Internet của Việt Nam đi quốc tế sẽ trở lại bình thường.
Trước đó, trao đổi với ICTnews ngày 24/4/2015, đại diện Công ty Viễn thông quốc tế (VNPT-I) đã cho biết, theo kế hoạch dự kiến đến ngày 30/4 tàu sửa chữa cáp sẽ bắt đầu đi vào khi vực xảy ra sự cố và đến ngày 13/5/2015 sẽ hoàn tất việc hàn nối lại đoạn cáp quang bị hỏng. Tuy nhiên, đại diện VNPT-I cũng cho biết thêm lịch trình của tàu sửa cáp có thể thay đổi vì còn phụ thuộc vào thời tiết và những lý do khách quan khác.
Vào lúc 5 giờ 27 phút ngày 23/4/2015, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG đã gặp sự cố tại phân đoạn từ Vũng Tàu (Việt Nam) đi Hong Kong và Singapore, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng hơn 300 km. Sự cố đã gây ảnh hưởng chủ yếu đến tốc độ đường truyền Internet giữa Việt Nam và quốc tế.
Việc tuyến cáp quang biển quốc tế AAG lần thứ 2 trong năm 2015 gặp sự cố đứt cáp đã khiến lưu lượng của các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam đang khai thác trên tuyến cáp bị ảnh hưởng. Việc liên lạc, trao đổi thông tin đi nước ngoài của khách hàng theo hướng Việt Nam đi quốc tế như dịch vụ web, e-mail, thoại, video… bị chậm do lưu lượng chuyển sang các hướng dự phòng và có khả năng gây nghẽn. Tuy nhiên, các giao dịch, trao đổi thông tin trong nước không bị ảnh hưởng.
Để giảm thiểu ảnh hưởng đến các khách hàng, ngay sau khi sự cố xảy ra, các ISP đang khai thác trên tuyến cáp này như: VNPT, Viettel, FPT Telecom, NetNam… đều đã triển khai các phương án khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng chất lượng dịch vụ cung cấp tới khách hàng bằng cách sử dụng những tuyến cáp quang khác để chuyển tiếp lưu lượng AAG bị ngừng hoạt động.
Đơn cử như, ngay trong ngày 23/4 VNPT đã mở khẩn cấp 20 Gbps từ Việt Nam đi Hong Kong trên tuyến cáp đất liền qua Trung Quốc, đồng thời làm việc với đối tác Google để ứng cứu thông tin cho các kênh Internet Peering và đáp ứng kế hoạch mở kênh Internet quốc tế ngay sau khi có sự cố xảy ra. Tiếp đó, ngày 24/4, Tập đoàn này đã mở thêm 100 Gbps Backbone ứng cứu trên hệ thống ALU mới đầu tư để lưu thoát lưu lượng, đảm bảo chất lượng ổn định cho người sử dụng Internet. Tương tự, ngày 23/4, Viettel đã triển phương án bổ sung dung lượng kết nối trên các hướng quốc tế đi qua cáp quang biển liên Á (IA) và 2 hướng cáp quang đất liền đi qua ChinaTelecom và ChinaUnicom, với tổng dung lượng kết nối được bổ sung là 60 Gbps.
Tuyến cáp quang biển quốc tế AAG được khánh thành, đưa vào hoạt động từ tháng 11/2009, có chiều dài trên 20.000 km và dung lượng thiết kế đạt 2 Terabit/giây. Tuyến cáp này kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Điểm cập bờ ở Việt Nam là tại Vũng Tàu. Ngoài ra, tuyến cáp AAG còn có thể kết nối đến Australia, Ấn Độ, châu Âu và châu Phi thông qua các điểm cập bờ của hệ thống.
Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2009, tuyến cáp đã nhiều lần gặp sự cố. Lần gần đây nhất tuyến cáp quang biển AAG bị đứt là ngày 5/1/2015 và mất tròn 3 tuần tuyến cáp này mới được sửa chữa xong, khôi phục hoàn toàn kênh truyền.
Vân Anh - theo ICTnews