Apple đang gặp quá nhiều vấn đề, từ việc bị người dùng than phiền về pin trên MacBook mới, iPhone 6/6s bị tắt máy đột ngột, cho đến những quyết định khó hiểu về mặt thiết kế như AirPods, Apple Watch hay Apple TV đời mới. Dường như Apple đang mất trọng tâm phát triển sản phẩm của mình, họ làm quá nhiều thứ mà thứ nào cũng gặp rắc rối. Việc này rất giống với Apple của những năm 1990, một Apple không biết mình đang làm gì. Hồi đó Apple còn có Steve Jobs, còn bây giờ thì sao?
Apple mất trọng tâm. phát triển
Hãy nhìn một chút về lịch sử của Apple. Đầu những năm 1980, công ty rất thành công với dòng máy tính Apple II và Macintosh, nhưng công ty dần dần gặp rắc rối vào thời điểm 1997. Tiền tiêu như nước trong khi doanh thu quý cuối của năm 1996 đã giảm 30% so với một năm về trước. Apple khi ấy đang kinh doanh quá nhiều sản phẩm, họ có hàng tá phiên bản Mac khác nhau nhưng không thể nói được sự khác biệt cho người tiêu dùng hiểu bằng những câu từ đơn giản. Trong lúc đó, các cổ đông thì không hài lòng về đội ngũ lãnh đạo của công ty.
Nói cách khác, Apple khi ấy không có bất kì một trọng tâm nào.
Phi Schiller, phó chủ tịch marketing toàn cầu, người đang làm ở công ty Macromedia vào thời điểm Apple khủng hoảng, nhận xét: "Thật là điên rồ. Hàng tấn sản phẩm, hầu hết đều là rác rưởi, được làm bởi những nhóm người tuyệt vọng".
Rồi Steve Jobs quay trở lại và thay đổi mọi thứ.
Đến tháng 9 năm 1997, Jobs cắt giảm 70% sản phẩm của Apple, đồng thời dẹp mảng server cũng như máy in và nhiều thứ khác không quan trọng. Jobs nói với một nhóm làm sản phẩm: "Các anh là những người tài giỏi. Các anh không nên phí thời gian cho những sản phẩm rác rưởi đó".
Sự thay đổi đột ngột trong chiến lược kinh doanh này chính là thứ đã cứu Apple khỏi phá sản, nhất là trong thời điểm nhạy cảm nhất với công ty. Khi cắt giảm số sản phẩm như vậy, Apple đã sa thải hơn 3.000 người nhưng ít nhất đã làm cho báo cáo tài chính của họ tốt lên. Và chỉ đến tháng 1 năm sau, Jobs đã tự hào tuyên bố Apple đã lần đầu tiên có lãi sau nhiều năm thất bát.
Trọng tâm hái ra tiền
Khi Jobs quay trở lại công ty, ông đã thay đổi văn hóa nơi đây: nhân viên được yêu cầu tập trung vào một số lượng rất ít các sản phẩm, nhưng sản phẩm nào cũng phải hoàn hảo.
Jobs và Jony Ive - giám đốc mảng thiết kế của Apple - là những người chịu trách nhiệm bảo tồn giá trị này, họ có nhiệm vụ giữ cho mọi thứ nằm ở mức tối giản, đồng thời chắc chắn rằng các nhóm sản phẩm, kinh doanh và marketing đều hiểu được điều đó.
Kết quả thì ai cũng biết, Apple thành công chưa từng có. iPod, iPhone, iPad đã tạo ra những làn sóng lớn trong thị trường công nghệ toàn cầu và thay đổi cách người ta tương tác với công nghệ. Apple đã trở thành công ty lớn nhất và có giá trị nhất thế giới.
Nhưng khi Jobs qua đời năm 2011 vì bệnh ung thư. Trong 5 năm sau đó, dường như Ive, các đồng sự và tinh thần ban đầu đang dần phai nhạt tại Apple. Nhiều người thậm chí còn tin rằng Ive đã bước 1 chân ra khỏi cửa Apple rồi, tức là đã có ý định nghỉ việc.
Dựa theo những gì Apple đã làm trong năm nay, cả những thứ cố tình lẫn vô tình - có nhiều lý do để bắt đầu lo lắng cho một Apple không còn được Jobs và Ive lãnh đạo.
Ngựa quen đường cũ
Hiện tại Apple đang có 46 model sản phẩm phần cứng khác nhau, từ điện thoại, tablet, đồng hồ cho tới máy tính và nhiều thứ khác. Nhưng nghiêm trọng hơn, số lượng người dùng than phiền về các sản phẩm này càng lúc càng nhiều lên. Một vài ví dụ:
iPhone: nhiều người dùng iPhone 6 và 6s than phiền rằng điện thoại của họ bị tắt đột ngột khi pin vẫn còn dài. Lỗi đó vẫn đang diễn ra ngay vào lúc bạn đọc bài viết này, và Apple vẫn chưa đưa ra bất kì lời giải đáp nào cho sự cố đó. Apple có chương trình thay thế, bảo hành mở rộng, nhưng dường như nó vẫn chưa bao phủ hết số người dùng bị ảnh hưởng. Ngay cả nhân viên Apple cũng nói rằng họ tiếp nhận rất nhiều trường hợp khách bị như vậy.
MacBook Pro: thời lượng pin không dài như quảng cáo, đôi lúc không ổn định. Apple hứa hẹn thời gian dùng pin lên đến 10 tiếng cho chiếc MacBook Pro 13" lẫn 15" bản mới nhất đời 2016, nhưng hầu hết mọi người chỉ được 7 đến 8 tiếng, đôi lúc lại bị tụt pin quá nhanh. Model mới cũng không có khe thẻ SD tuy khe này rất mỏng, không còn cổng sạc MagSafe huyền thoại, và nó đắt hơn nhiều so với Retina đời cũ. Khách hàng, ngay cả fan của Apple, không hài lòng về điều này (chính là mình).
AirPods: Apple không kịp bán sản phẩm này vào tháng 10 như đã hứa ban đầu. Cặp tai nghe không dây của hãng chỉ mới lên kệ hồi tuần rồi và giá vẫn rất cao, 130$, trong khi mức độ hoàn thiện lại kém và dễ bị thất lạc.
Apple Watch: thế hệ Watch Series 2 không khác biệt nhiều so với đời đầu tiên. Nó chống nước tốt hơn, có thêm GPS, nhưng vẫn là một cái đồng hồ khá to với giao diện phức tạp.
Apple TV: Chiếc remote của Apple TV mới bị chê là quá nhạy nên không thể điều khiển chính xác. Nó cũng có quá nhiều nút, khác hẳn phong cách của Apple, và khác hẳn so với chiếc remote trước đây cũng dành cho Apple TV. Thật ngạc nhiên khi nó được bộ phận thiết kế chấp thuận.
Không chỉ có phần cứng, ngay cả phần mềm cũng đang có vấn đề.
Siri: Apple bắt đầu tung ra cô trợ lý ảo này với chiếc iPhone 4s năm 2011. 5 năm sau, Siri vẫn chưa thật sự mang lại nhiều giá trị cho người dùng, và đang bị hít khói so với các đối thủ như Google Assistant, Amazon Alexa hay thậm chí là Cortana của Microsoft. Hít khói ở đây là về nhiều mặt khác nhau, từ chuyện nhận diện ngôn ngữ, cảm xúc cho tới thời gian phản hồi. Các đối thủ của Siri còn làm nhiều việc hơn những gì trí tuệ nhân tạo của Apple đang làm.
iCloud: nền tảng đám mây này vẫn chỉ xoay quanh người dùng iPhone và Mac là chủ yếu. Nhưng đó chưa phải là vấn đề lớn, vấn đề nằm ở chỗ iCloud đáng ra phải đơn giản, dễ dùng và ổn định tuy nhiên trên thực tế việc sync dữ liệu khi được khi không, ngay cả tính năng đơn giản như copy trên Mac và dán sang iPhone, iPad vẫn chưa chạy tốt. Chưa để iCloud Drive và iCloud Photo Library lại quá phức tạp để người dùng bình thường hiểu và sử dụng một cách nhanh chóng.
Chiến lược marketing của công ty cũng khác so với thời của Jobs. Khi Jobs còn lãnh đạo, Apple tạo ra một trong những mẫu quảng cáo ấn tượng nhất, ví dụ như quảng cáo 1984, chiến dịch "Think Different" hay hình ảnh bóng đen quảng cáo cho iPod. Gần đây, các mẫu quảng cáo của Apple không còn tạo được ấn tượng mạnh nữa.
Có thể các sản phẩm hiện tại của Apple đang gặp vấn đề bởi vì Apple đang bận tập trung cho dự án nào đó trong tương lai. Apple được cho là đang làm xe hoặc nền tảng xe thông minh, các thiết bị AR / VR, hay kính thông minh. Những dự án này có cả trăm nhân viên phát triển, và không có cái nào sẽ sớm ra mắt cả.
Vẫn còn thay đổi kịp
Hiện tại mọi thứ vẫn chưa quá tệ, Apple vẫn còn thời gian để khắc phục vấn đề.
Chìa khóa nằm ở thứ mà Jobs đã làm khi ông quay lại Apple. Đó chính là trọng tâm phát triển. Cắt giảm số lượng dự án không quan trọng và hao tốn tài nguyên, nguồn lực của công ty, đồng thời chấn chỉnh lại những dự án sống còn và làm chúng thật tốt.
Apple mới đây đã chia tay dòng router Wi-Fi của mình. Điều này thật đáng tiếc, nhưng là một động thái tốt vì Apple sẽ dành được nhân sự, thời gian cho những thứ khác tốt hơn, kiếm được nhiều tiền hơn. Hãng dường như cũng không còn làm màn hình của riêng mình, họ giới thiệu màn hình 5K của LG trong buổi ra mắt MacBook Pro mới, và đây cũng là điều tốt.
Ngoài ra có một số sản phẩm mà Apple có thể cân nhắc bỏ luôn nếu họ không tìm được cách tốt hơn để cải tiến:
iTunes: hiện tại đây vẫn là một trình quản lý, chơi nhạc tuyệt vời với sự đơn giản trong thao tác dành cho người dùng Apple. Ngay cả người dùng Windows vẫn có thể dùng thư viện nhạc của mình với iTunes. Nhưng iTunes đang ngày càng rối hơn với hàng tá các menu rải rác. Ngoài ra, Apple cũng đã có Apple Music nên chiến lược với kho nhạc iTunes Music cũng cần phải thay đổi.
MacBook: Apple nên gộp MacBook Air và MacBook lại thành một để khi một ai đó cần mua máy tính mỏng nhỏ nhẹ và gọi nó bằng cái tên nào đó, giả dụ chỉ giữ lại tên MacBook mà thôi. Điều này sẽ giúp những người cần mua laptop mỏng nhỏ nhẹ mua sắm dễ dàng hơn, họ không cần phải cân nhắc giữa hai lựa chọn Air và MacBook nữa, họ biết họ chỉ cần ra mua một cái "MacBook" là xong. Jobs có một câu hỏi rất nổi tiếng: "Tôi sẽ khuyên bạn bè của tôi mua cái nào?", và khi trả lời gọn gàng câu hỏi đó thì Apple sẽ thành công.
Apple Watch Edition: bán một phiên bản siêu đắt của Apple Watch là cách tốt để tạo ra một sự hứng khởi ban đầu. Nhưng giờ Apple Watch đã hai năm tuổi, đã tới lúc chia tay dòng Edition này. Nhóm thiết kế sẽ không còn phải dành nhiều thời gian và năng lượng cho chỉ một model xa xỉ mà doanh thu lại không nhiều. Thà thời gian đó dùng để thiết kế lại giao diện của Apple Watch hay làm mới ngoại hình của nó sẽ hay hơn.
Không biết Steve Jobs sẽ phản ứng thế nào trước những dự án hiện tại của Apple. Chúng ta, thật không may, cũng chẳng biết liệu Jobs có bao giờ chấp thuận cho AirPods ra đời hay không, có để cho Apple làm một cái Apple TV với Remote tích hợp Siri hay không, hay liệu ông sẽ cho phép dùng USB-C ở thời điểm này. Chỉ có sự thật là Apple đang làm quá nhiều thứ và thứ nào cũng gặp vấn đề. Apple vẫn còn thời gian để khắc phục sai lầm của mình, và họ cần phải làm điều đó trước khi chuyển sang làm những thứ mới hơn.
Bài này trích ra và dịch từ Business insider. . Nhưng ấm@ nhặt ben tinhte
Đã chỉnh sửa bởi ღ™❤Çậu|Ấm✌ ™ღ (01.01.2017 / 20:31) [1]